Trang bị cho sinh viên kiến thức, cách ứng xử phù hợp với ChatGPT, AI

(VOH) - Công nghệ ChatGPT hay AI có thể thay đổi cách thức làm việc của con người trong một số phần việc nhưng vẫn có rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào nó.

Do vậy, con người làm việc trong lĩnh vực có ứng dụng máy móc cần phải thay đổi, cập nhật, nếu không sẽ dễ bị đào thải.

Đó là những lời khuyên từ các chuyên gia dành cho sinh viên tại Tọa đàm "Liệu ChatGPT có là cuộc cách mạng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế và logistics?” vừa được Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM tổ chức.

Trước những lo lắng về tương lai nghề nghiệp của sinh viên khi theo học khối ngành kinh tế, logistics, các chuyên gia cho rằng, “chatbot” thông minh này có thể thay đổi cách thức làm việc của con người như chăm sóc khách hàng, soạn thảo nội dung, PR thương hiệu hay xử lý thông cáo báo chí, đơn hàng… nhưng vẫn có rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT.

Do đó, con người làm việc trong lĩnh vực có ứng dụng máy móc cần phải thay đổi, cập nhật, nếu không sẽ dễ bị đào thải.

ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM tại buổi tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Tại tọa đàm, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng, nếu doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của ChatGPT để xử lý dữ liệu thực tế thì đó thật sự là cuộc cách mạng. ChatGPT là công cụ khai thác dữ liệu, các doanh nghiệp muốn thắng thì trước hết phải làm chủ dữ liệu.

* Sáng 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM cũng tổ chức tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp: cơ hội và thách thức”.

Tháng 11/2022, OpenAI đã chính thức ra mắt chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT, tạo ra một làn sóng mới tác động đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, đồng thời cũng khởi sinh rất nhiều tranh luận trái chiều. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết: Trong lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, một khảo sát 1.000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua, cho thấy khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc.

Khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ, đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định, giúp tiết kiệm được hàng trăm ngàn đô la Mỹ khi sử dụng công cụ này.

Một số công việc được sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp; viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển.

Ông Lâm Đình Thắng nói thêm: "Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, có ý kiến cho rằng ChatGPT có thể có nhiều ứng dựng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định.

Tuy nhiên, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn, thách thức cho quản lý nhà nước, như việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT...".

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu, khi đứng trước một vấn đề mới, cách tiếp cận nhanh chóng nhưng bình tĩnh, thận trọng; xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh.