Tránh cô đơn, cần tạo cho học sinh môi trường không phán xét

(VOH) - Các chuyên gia cho rằng cần tạo môi trường không phán xét, để trẻ được hiểu chính mình, chấp nhận, yêu thương chính bản thân rồi hãy đến hoàn thiện.

Tại Toạ đàm "Giải mã cô đơn trong học đường" do trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, tổ chức vào chiều hốm qua 26/11, các chuyên gia cho rằng cần tạo môi trường không phán xét, để trẻ được hiểu chính mình, chấp nhận, yêu thương chính bản thân rồi hãy đến hoàn thiện.

Tình trạng học sinh cô đơn trong chính gia đình, lớp học mình ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Một nghiên cứu quốc tế cho biết 80% người trẻ dưới 18 tuổi trải nghiệm cảm giác cô đơn. Vì đây là giai đoạn trẻ đang tự hỏi tôi là ai, tôi như thế nào, tôi khẳng định bản thân như thế nào trong mắt giáo viên, trong mắt bạn bè. Thêm nữa, gia đình, nhà trường thường đặt cho các em khuôn mẫu nhất định, nhưng học sinh thường không thấy sự tương đồng của bản thân...  Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Huế, học sinh rơi vào trạng thái cô đơn thường có các biểu hiện như: nghe đi nghe lại 1 bản nhạc nào đó, hay thức khuya và đắm chìm trong bóng tối, không dám nhìn vào mắt người đối diện, đặt niềm tin vào các mối quan hệ ảo, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông và cảm thấy bản thân có nhiều khiếm khuyết.

cô đơn học đường, ngày 26 tháng 11 năm 2020

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Huế phân tích dưới góc độ tâm lý: "Sự cô đơn là trạng thái cảm xúc rất khó chịu, phức tạp. Nó gây cho cơ thể chúng ta mệt mỏi, tiết ra hóc môn để phản kháng lại sự cách ly của xã hội. Cô đơn sẽ gây cản trở, gây khó khăn cho việc thiết lập các mối quan hệ, trong giao tiếp với người đối diện. Nếu chúng ta không kịp thời phát hiện để giải quyết, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái stress rất nặng và nguy cơ lớn nhất là kết thúc cuộc sống." 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, Giảng viên trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Power, trẻ rơi vào trạng thái cô đơn thường rất lo ngại sự chối từ. Cũng chính vì vậy, những em này ít nêu lên mong muốn hoặc đề nghị giúp đỡ từ những người xung quanh. Nhưng nếu các em biết rằng mình được yêu thương, mình là một phần quan trọng trong gia đình, nhà trường, các em sẽ không cô đơn.

Tuy nhiên thực tế, theo Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, những gia đình có con cái ở lứa tuổi vị thành niên, mỗi tuần cãi nhau 3 lần là bình thường. Ba mẹ là người yêu thương con cái nhiều nhất nhưng cũng là người gây tổn thương cho các em nhiều nhất bởi các nguyên nhân: chưa nhận ra con đã lớn nên vẫn dùng cách giáo dục cho trẻ con. Bên cạnh đó, giai đoạn này trẻ vị thành niên đã hình thành quan điểm cá nhân, có tư duy phản biện, nhưng  quan điểm này thường khác hẳn với ba mẹ. Để các em không rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thuỵ Anh cho rằng: "Hãy tạo một môi trường không phán xét để các em cảm thấy an toàn, tự tin được là chính mình trong nội quy nhất định của nhà trường. Với quý vị phụ huynh, trước khi đưa con đến các lớp học để hoàn thiện, xin hãy cho trẻ một hành trình chầm chậm lại để trẻ được hiểu chính mình, chấp nhận, yêu thương chính bản thân rồi hãy đến hoàn thiện. Đừng bỏ qua các hành trình mà vội vàng đẩy các em đi hoàn thiện, các em sẽ bị cô đơn trong chính quá trình chúng ta nuôi dạy như vậy."