Quy định mới gây sức ép với du học sinh tại Mỹ
Theo Đài CNN, quy định mới của ICE không chỉ gói gọn trong các sinh viên quốc tế mà còn mở rộng ra tất cả những người đang theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ. Trong thông báo ICE chỉ đề cập đến hai nhóm đối tượng đang giữ visa học thuật F-1 và visa học nghề M-1.
Thông báo của ICE nêu rõ trong trường hợp những người này vẫn còn đang ở Mỹ, họ có thể sẽ phải rời khỏi nước này nếu nơi đang theo học chuyển sang dạy 100% trực tuyến (online) vào học kỳ mùa thu tới.
Ảnh minh họa: Bigstock
Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu tìm hiểu thông tin về các trường/chương trình học của người xin visa. Nếu xác định hình thức giảng dạy là 100% online vào mùa thu tới, đơn xin sẽ bị bác.
Theo VNE, du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tại Mỹ, tương đương 1,1 triệu người vào năm học 2018-2019, theo Viện Giáo dục quốc tế. Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước có sinh viên du học nhiều nhất tại Mỹ, với gần 24.400 du học sinh, trong đó 69,9% học đại học, 15,2% sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Quy định mới của ICE áp dụng cho các trường hợp thuộc diện visa F1, tức visa dành cho du học sinh các trường trung học, cao đẳng, đại học, và M-1, visa dành cho người đi học nghề, vì thế, không ít du học sinh Việt Nam tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Đảm bảo các lợi ích tốt nhất cho du học sinh Việt Nam
TNO đưa tin, trước thông tin về việc điều chỉnh quy chế thị thực tạm thời tại Mỹ, chiều 8/7, đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đề nghị các du học sinh Việt Nam bình tĩnh, chủ động tìm hiểu về các hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình.
Trong trường hợp nếu các lưu học sinh phải về nước học trực tuyến tại Việt Nam thì cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ và đề xuất tổ chức các chuyến bay đến Mỹ để đưa các du học sinh Việt Nam về nước.
Chiều ngày 8/7, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xung quanh vấn đề này. Tại buổi làm việc, Đại diện Đại sứ quán Mỹ cung cấp một số thông tin đồng thời cho biết sẽ thông tin kịp thời tới sinh viên Việt Nam tại Mỹ khi có diễn biến mới, hai bên sẽ phối hợp để đảm bảo các lợi ích tốt nhất cho du học sinh Việt Nam tại Mỹ.
Trường đại học khởi kiện chính quyền Mỹ
Trong một diễn biến liên quan, các trường Đại học học đã có động thái phản ứng đầu tiên, tiên phong là hai trường đại học thuộc top đầu của Mỹ - ĐH Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lập tức khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump, với mong muốn một Tòa án Liên bang sẽ tạm thời chặn chính sách mới được đưa ra này.
Đại học Harvard. Ảnh: Bloomberg via Getty Images.
Trong đơn khởi kiện được gửi đến Tòa sơ thẩm liên bang ở Boston, hai trung tâm đào tạo giáo dục uy tín này cho rằng, chính sách ICE mới ban hành là “tùy tiện, kỳ cục”, khi không thông báo, tham vấn trước với các trường. Đơn khởi kiện hướng đến việc tòa án ra phán quyết chặn chính phủ thực thi sắc lệnh mới, vì nó vi phạm Đạo luật quản lý hành chính (APA).
Hai trường cho biết, họ tin rằng chính sách này là “phạm pháp” và họ sẽ tiếp tục “chiến đấu chống lại nó”, thúc giục các tòa án ngăn chặn nó vĩnh viễn.