Đó là những chia sẻ của bà Phan Quý Trúc – Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghiệp - Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tại Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi số TPHCM 2022 - WHISE 2022 - sự kiện lớn nhất trong năm về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và khởi nghiệp của Thành phố.
Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đặc biệt, TPHCM lần đầu tiên được xếp hạng 111 trong 1.000 thành phố năng động, sáng tạo nhất toàn cầu.
Những kết quả này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã và đang phát triển mạnh mẽ với những sản phẩm, nền tảng công nghệ hữu ích cho cuộc sống.
Bà Phan Quý Trúc – Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghiệp đánh giá: “Những thành công trên bắt nguồn từ sự nỗ lực của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TPHCM, trong đó các trường đại học là nhân tố quan trọng. Đây không chỉ là nơi chia sẻ nguồn lực cũng như những chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo mà còn là nơi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các chương trình lớn của thành phố”.
Bà Phan Quý Trúc lấy dẫn chứng về hoạt động đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp tại trường Đại học Bách khoa TPHCM. Cụ thể, từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM và Trường Đại học Bách khoa đã hợp tác thành lập Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ nhằm triển khai ứng dụng kết quả của đề tài nghiên cứu về xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.
Với vai trò của mình, Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ phát triển và hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ công tác ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ (start-ups, spin-off) gắn với trường đại học và từ cộng đồng khởi nghiệp. Đồng thời xây dựng nền văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học để phát triển các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên trường.
PGS. TS. Phạm Đình Anh Khôi – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã ươm tạo được 61 doanh nghiệp khởi nghiệp; 14 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư… Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các cuộc thi, tham dự các cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho tất các đơn vị trong trường cùng đóng góp vào sự phát triển của hoạt động đổi mới sáng tạo mà trọng tâm của các hoạt động này là các giảng viên, sinh viên nhà trường.
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ ngoài hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, còn đào tạo cho hàng ngàn giảng viên, sinh viên, học viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo học viên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty nhỏ và vừa về khởi nghiệp tinh gọn; tổ chức nhiều khóa khóa đào tạo nâng cao năng lực về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho nhân viên của doanh nghiệp và cán bộ nghiên cứu… Đây là một trong những hoạt động phát triển nguồn lực chất lượng phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố trong thời gian qua.
Hiện nay, hầu hết cơ sở đào tạo đại học đều có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tuy nhiên số trường có phong trào đổi mới, sáng tạo sôi nổi như trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) không nhiều. Trong khi đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng do đại đa số dự án doanh nghiệp khởi nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các công nghệ lõi…
Theo TS Phan Quang Tuấn - Giám đốc Văn phòng đại diện Đại học Hong Kong tại Việt Nam, các đại học luôn giữ vai trò then chốt trong đổi mới sáng tạo ở các nước phát triển bởi sở hữu nguồn lực con người lẫn trang thiết bị. Tuy nhiên, ông đánh giá, dường như các trường đại học ở TPHCM chưa thật sự có nhiều dự án đóng góp giá trị trong thực tiễn, cũng như chưa thể là nơi mà các doanh nghiệp bất cứ khi nào có nhu cầu đổi mới sáng tạo đều có thể tìm đến để có những ý tưởng, giải pháp mới.
Do đó, các trường đại học cần có sự tham gia, chia sẻ tích cực hơn nữa trong hoạt động đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, từng bước gắn kết các hoạt động nghiên cứu với thực tiễn để phát triển bền vững.