Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Tọa đàm khoa học “Chiến lược phát triển Nhà trường đến 2030, tầm nhìn đến 2045” và Lễ Khánh thành Phòng Truyền thống của Nhà trường. Đây là công trình nhằm lưu giữ và tôn vinh các giá trị qua 46 năm truyền thống và 26 năm ngày mang tên trường Đại học Luật TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM đã ôn lại truyền thống 46 năm truyền thống và 26 năm ngày mang trên Trường Đại học Luật TPHCM, bằng nỗ lực không ngừng của các thế hệ giảng viên và sinh viên, Nhà trường đã không ngừng phát triển và có được vị thế như hiện nay – là một trong hai trường trọng điểm về đào tạo Luật của cả nước.
Trong giai đoạn tới, Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Việc lấy ý kiến thảo luận của các thầy cô giáo, cựu học viên, sinh viên và các đơn vị sử dụng lao động hướng đến hoàn thiện Đề án, từ đó xây dựng Nhà trường đáp ứng với sứ mệnh là trường đại học công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; là trung tâm nghiên cứu khoa học, trọng tâm là khoa học pháp lý, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập.
Tại tọa đàm “Chiến lược phát triển Nhà trường đến 2030, tầm nhìn đến 2045”, Tập thể lãnh đạo Nhà trường cùng các chuyên gia, khách mời trong và ngoài trường đã tiến hành thảo luận, lấy ý kiến đóng góp để phát triển Đề án chiến lược phát triển. Trên thực tế, nhân lực chất lượng cao hiện nay trong nước còn khan hiếm, nhất là các luật sư Việt Nam tham gia tranh tụng tại các tòa án quốc tế.
Theo dự thảo, đến năm 2030, Trường Đại học Luật TPHCM sẽ đẩy mạnh phát triển chất lượng giảng dạy, nghiên cứu pháp luật; tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, dự án, ý tưởng khởi nghiệp; đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường đạt 600 người với tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 50%, ít nhất 20% giảng viên trình độ tiến sĩ có chức danh giáo sư, phó giáo sư; tối thiểu 50% giảng viên có thể giảng dạy, nghiên cứu trình hội thảo, trao đổi học thuật trực tiếp bằng tiếng nước ngoài; 100% đội ngũ viên chức quản lý, giảng viên, chuyên viên có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý, làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.