Trường học cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khoẻ tâm thần cho học sinh

(VOH) - Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức, triển khai, đôn đốc thực hiện Chương trình.

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, yêu cầu 95% trường học thực hiện phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 90% học sinh các cấp được tham gia tập luyện 1 môn thể thao tối thiểu 2 ngày/tuần.

Trường học cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khoẻ tâm thần cho  học sinh 1
Trường học cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khoẻ tâm thần cho  học sinh. Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với việc chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học, UBND Thành phố yêu cầu phấn đấu 85% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định; 100% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định; 95% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 100% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trường học đảm bảo chất lượng theo quy định; 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 100% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh; Phấn đấu 100% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 100% trường học đạt yêu cầu về chiếu sáng; 100% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp với học sinh khuyết tật.

Về công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, UBND Thành phố yêu cầu 90% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 90% trường học tổ chức hoạt động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khoá, câu lạc bộ thể thao…; phấn đấu 100% trẻ mầm non được tổ chức tắm nắng hàng ngày, 90% học sinh các cấp được tham gia tập luyện 1 môn thể thao tối thiểu 2 ngày/tuần

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu phấn đấu 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căn tin trường học bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm…

Kế  hoạch này được ban hành nhằm mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Theo quyết định của UBND Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức, triển khai, đôn đốc thực hiện Chương trình. Trong đó, xây dựng ban hành kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình cụ thể để đạt được mục đích, chỉ tiêu đã đặt ra.

Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp để thực hiện như: tăng cường bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp liên ngành, tăng cường trách nhiệm triển khai; Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế.