Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Hình: internet
VOH phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để làm rõ một số điểm mới của Dự thảo tuyển sinh 2017.
Các trường phải tự quyết định đầu vào
VOH: Thưa ông, ở Dự thảo tuyển sinh năm 2017 không đề cập đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã được áp dụng từ nhiều năm qua. Bộ chỉ lưu ý các trường quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nếu thấy cần thiết. Vì sao năm nay, Bộ GD-ĐT lại bỏ quy định này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong hai năm 2015 và 2016, Bộ thí điểm cho các trường xét tuyển bằng học bạ. Qua phương thức này các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh. Đến năm 2016, mặc dù chúng ta có ngưỡng điểm chất lượng đầu vào có trên 400.000 thí sinh trên ngưỡng đó, nhưng họ cũng không đăng ký hết vào các trường đại học mà còn thừa rất nhiều chỉ tiêu.
Có thể thấy, học sinh bây giờ lựa chọn các ngành, trường để học chứ không phải vào đại học bằng bất cứ ngành nào và có sự lựa chọn cẩn thận. Mặt khác, khi chúng ta đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung cho tất cả các ngành không còn phù hợp nữa, vì mỗi ngành nghề có yêu cầu khác nhau. Mỗi trường cũng có kế hoạch, chiến lược phát triển ngành nghề cũng khác biệt, nên đầu vào cũng không thể quy định chung cho tất cả các ngành được.
Cho nên, năm 2017 Bộ chỉ quy định điều kiện cần chung nhất đó là chỉ cần tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ để thí sinh nộp hồ sơ vào học các ngành của trường là do trường chủ động quy định. Điều này một mặt mở rộng quyền tự chủ của các trường, để trường quyết định nhận thí sinh vào học những ngành cho phù hợp.
VOH: Thưa ông, việc không áp dụng “điểm sàn” có khiến cho tình trạng tuyển sinh tràn lan, thả lỏng đầu vào của các trường hay không? Giải pháp Bộ đưa ra để kiểm soát nguồn tuyển là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hoàn toàn không phải như vậy. Bởi vì các trường có tính cạnh tranh cao thì từ xưa đến giờ họ không bao giờ lấy tới điểm sàn vì điểm đầu vào của họ rất cao. Còn đối với các trường có tính cạnh tranh thấp hơn, khó tuyển sinh, họ cũng không thể hạ điểm đầu vào thấp được, vì càng hạ thấp thì uy tín của trường lại càng thấp. Học sinh quay lưng, xã hội và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá không tốt về chất lượng đào tạo và không tuyển sinh viên tốt nghiệp trường này. Do đó, nó sẽ ảnh hưởng lâu dài tới chiến lược phát triển của nhà trường. Vì vậy, các trường phải tự quyết định đầu vào của mình đồng thời có trách nhiệm giải trình xã hội.
Năm nay, Bộ lập cổng thông tin tuyển sinh và yêu cầu các trường công bố điều kiện tuyển sinh cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng để xã hội xem xét và giám sát chất lượng đào tạo của các trường. Từ đó, thí sinh biết để chọn lựa vào học.
Tạo cơ hội cho thí sinh học ngành, trường yêu thích
VOH: Năm ngoái, thí sinh thi trước, chọn nguyện vọng sau. Năm nay, cho phép thí sinh chọn nguyện vọng trước, và không giới hạn số lượng nguyện vọng, đến khi có kết quả thi lại cho điều chỉnh, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thí sinh?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc chúng ta cho thí sinh xác định nguyện vọng vào đại học sau khi có kết quả thi, đó là một bước tiến lớn trong quá trình đổi mới tuyển sinh. Năm 2017, chúng ta cho thí sinh đăng ký nguyện vọng ngay từ khi bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi. Nhưng, sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian Bộ quy định. Thực chất là thí sinh được xác định nguyện vọng sau khi có kết quả thi nhằm giảm bớt rủi ro cho thí sinh khi chọn không đúng trường phù hợp với điểm thi của mình.
Việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng trước thi giúp chúng ta có nhiều thời gian để hoàn thành cơ sở dữ liệu. Thí sinh cũng có thời gian dài để tính toán, cân nhắc để sau khi có kết quả thi thì điều chỉnh cho phù hợp. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng giúp các em trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích, vào những trường có tính cạnh tranh khác nhau.
Các năm trước, chúng ta chỉ cho thí sinh đăng ký vào một số trường giới hạn, ví dụ năm 2016 chỉ cho thí sinh đăng ký vào hai trường. Như vậy, các em khó có thể chọn được ngành mà các em thích ở nhiều trường. Để khi các em không trúng tuyển vào trường tốp trên thì các em có thể trúng tuyển vào trường có điểm xét tuyển thấp hơn. Vì vậy, việc thay đổi phương thức đăng ký và mở rộng số nguyện vọng cho thí sinh năm nay, tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình đăng ký ngành nghề các em yêu thích, có khả năng tạo cơ hội trúng tuyển nhiều hơn vào các ngành này.
VOH: Khi số lượng nguyện vọng của thí sinh không giới hạn, tỷ lệ ảo sẽ tăng mạnh, Bộ có giải pháp kỹ thuật gì để hỗ trợ các trường trong xét tuyển năm 2017, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi tăng số nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký vào rất nhiều trường. Các trường cũng không biết là thí sinh trúng tuyển trường mình còn trúng tuyển vào trường nào khác nữa. Vì vậy, nguyên tắc tuyển sinh năm nay là khi đăng ký, thí sinh phải sắp xếp số nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Sau khi thí sinh đăng ký xong, các trường sẽ xét tuyển để xác định điểm trúng tuyển dự kiến, danh sách trúng tuyển dự kiến.
Bộ xây dựng cổng Thông tin tuyển sinh, trong đó có hệ thống sắp xếp, thống kê lại nguyện vọng mà thí sinh trúng tuyển. Khi các trường có danh sách trúng tuyển dự kiến sẽ đưa lên hệ thống này, hệ thống sẽ tự động lọc bỏ những nguyện vọng trúng tuyển thấp của thí sinh, để giữ lại cho thí sinh một nguyện vọng trúng tuyển cao nhất trong đợt xét tuyển đầu tiên. Vì vậy, sẽ giúp cho các trường danh sách trúng tuyển chính thức. Mỗi thí sinh chỉ còn một nguyện vọng nên không còn “ảo”, như vậy giúp các trường tuyển sinh thuận lợi.
VOH: Cảm ơn ông!