Bên cạnh sự thay đổi ở các phương thức xét tuyển mà nhiều trường đại học vừa công bố, đáng chú ý, năm 2020 tới đây nhiều trường dự kiến mở thêm ngành học mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thời đại 4.0.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tư vấn cho thí sinh
Theo đề án tuyển sinh của các trường đại học vừa công bố, nhiều trường năm tới dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, đồng thời tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 có 5 phương thức xét tuyển. Trường dành chỉ tiêu khoảng 40% xét tuyển bằng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2020; 40% xét tuyển kết quả thi từ bài thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Đồng thời, Trường dự kiến mở 06 ngành mới: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán Ứng dụng, Toán Tin.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông của Trường cho hay, những ngành mới thật ra xuất phát từ những chuyên ngành cũ của các ngành đào tạo trước đây, nên đem lại cơ hội rất lớn cho thí sinh: “Ví dụ những ngành mới của Trường như ngành Khoa học dữ liệu, trước kia nằm trong Công nghệ thông tin, khoa Toán Tin học, giờ tách ra thành một ngành kết hợp giữa Toán Tin học và Công nghệ thông tin, mở ra hướng khoa học dữ liệu để áp dụng cho Big Data hiện nay.
Ngành vật lý y khoa, trước đây nằm trong ngành Kỹ thuật hạt nhân, nhưng giờ đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần, đặc biệt ở các bệnh viện. Các ngành mới là hướng mà xã hội đang cần, các trường muốn đào tạo chuyên sâu với số lượng sinh viên không nhiều, những sinh viên này phải có đầu vào khá giỏi.”
Tương tự, bên cạnh 20 ngành đang đào tạo, năm 2020, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) dự kiến mở đào tạo và tuyển sinh thêm 2 ngành mới là ngành Kinh doanh thương mại và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Tất cả các ngành của Trường đều tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển học bạ Trung học phổ thông theo tổ hợp 3 môn và xét tuyển học bạ Trung học phổ thông theo điểm trung bình 5 học kỳ. Sinh viên trúng tuyển của tất cả các phương thức xét tuyển đều học chung với nhau, hưởng thụ các dịch vụ hỗ trợ và nhận bằng cấp giá trị như nhau.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh của Trường cho hay: “Với các ngành mới mở năm 2019, thí sinh có nhiều lợi ích khi lựa chọn như: tăng cơ hội trúng tuyển học tại UEF, có thêm cơ hội lựa chọn ngành học phù hợp, đặc biệt những ngành mới mở là những ngành đã được nghiên cứu kỹ có xu hướng phát triển mạnh, vì vậy người học có cơ hội việc làm cao hơn sau khi tốt nghiệp ra trường”
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có thêm 4 ngành mới, gồm: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, logistics và quản trị chuỗi cung ứng thuộc khối ngành kinh doanh, quản lý, du lịch, khách sạn; khoa học dữ liệu trong kinh doanh thuộc khối ngành khoa học. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Quan hệ Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tuyển sinh năm 2020 là năm thứ hai trường tiếp tục xét tuyển thí sinh có điểm cao vào ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Những thí sinh trúng tuyển sẽ được ưu đãi đặc biệt về học phí. Cụ thể, thí sinh có điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 từ 23 điểm trở lên, được xét tuyển thẳng vào ngành robot và trí tuệ nhân tạo. Trường dành 20 chỉ tiêu, chương trình học bằng tiếng Anh, miễn 100% học phí năm thứ nhất. Từ năm thứ 2 trở đi xét điểm theo học kỳ với học phí 19,5 triệu/năm. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói: “Điểm xét từ 23 điểm trở lên. Các em được miễn học phí và học toàn bằng tiếng anh. Nhà trường tốn chi phí khoảng 100 triệu/em/năm chi phí cho học tập, thí nghiệm, thực hành. Vì mình miễn 100% học phí, đây còn là chương trình đào tạo nhân tài cho đất nước”
Năm 2020, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục tổ chức kỳ thi Đánh giá Năng lực nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, tuyển chọn những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Năm 2019, kỳ thi thu hút hơn 40.000 thí sinh của 63 tỉnh, thành tham gia. Ngoài các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn có 27 trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá Năng lực để xét tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, kỳ thi này tiếp tục mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu và sự kỳ vọng của các trường: “Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã được dư luận xã hội cũng như các đơn vị đại học ngoài hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Năm nay, sự quan tâm của các trường đối với kỳ thi này tăng lên đáng kể. Hiện, chúng tôi nhận được yêu cầu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ hơn 20 trường đại học, ngoài số lượng trường đã đăng ký năm ngoái. Điều đó thể hiện kỳ thi này đã tạo được niềm tin đối với các trường”.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết ngày 31/12, các trường phải hoàn thành phương án tuyển sinh năm 2020; có xác định chỉ tiêu theo tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển. Song song đó, các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh các năm liền kề.