Sáng 25/3, tại Hội nghị trực tuyến Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm năm 2021 diễn ra tại 4 điểm cầu Hà Nội- TPHCM-Đà Nẵng và Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định công tác tuyển sinh sẽ mang tính ổn định. Những điểm mới chủ yếu là điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho thí sinh.
Thống kê từ Vụ Giáo dục đại học, năm 2020 cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi trong đó hơn 70% (hơn 640.000 thí sinh) đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm, hơn 49% (khoảng 442.000 thí sinh) trúng tuyển. Có khoảng 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường.
Mặc dù, năm 2020 cả nước đối mặt với nhiều khó khăn từ bão lũ miền Trung đến dịch bệnh Covid 19 nhưng công tác tuyển sinh khá thành công khi hầu hết các trường đều hài lòng với tỷ lệ nhập học trên 86% tổng chỉ tiêu, tăng gần 10% so với năm 2019.
Ngưỡng chất lượng đầu vào của khối ngành đào tạo giáo viên và sức khoẻ đều tăng hơn. Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: "Việc chúng ta triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2020 là một cú hích mạnh để các trường hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Trong tuyển sinh chúng ta thấy các thí sinh cũng đã bắt đầu làm quen công nghệ thông tin từ bậc phổ thông và đã ứng dụng trong quá trình tuyển sinh. Các trường cũng đã rất nỗ lực cung cấp thông tin minh bạch kết quả tuyển sinh".
Bên cạnh những kết quả khích lệ, năm 2020 công tác tuyển sinh cũng đối mặt với không ít thách thức như các cơ sở đào tạo phải xây dựng phương án học tập cho sinh viên trở về từ nước ngoài do ảnh hưởng dịch bệnh; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (trên 120% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (60%) do trường chưa nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống, một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích tỷ lệ học sinh đậu đại học nên khuyến khích cả thí sinh không có nguyện vọng học đại học đăng ký xét tuyển...
Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt cho biết: "Có một số ngành đào tạo số lượng thí sinh trúng tuyển quá thấp, khi xét tuyển các trường cố tình đặt điểm chuẩn lên rất cao để đánh rớt thí sinh. Trường hợp thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xem như rớt đại học dù điểm rất cao.
Để giải quyết tình trạng này trước thời điểm thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, Bộ cho phép các trường rà soát bổ sung điều chỉnh đề án tuyển sinh. Các ngành tiên liệu ít quá thì cho phép dừng tuyển sinh để các em điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác trường khác".
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin kỳ tuyển sinh năm 2021 sẽ giữ ổn định quy chế, phương thức tổ chức. Tuy nhiên, một số điểm mới về kỹ thuật đều hướng về lợi ích của thí sinh. Trong đó, dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, thay vì chỉ được điều chỉnh 1 lần duy nhất như trước đây.
Bộ GD-ĐT và các trường cũng thống nhất điều chính giảm lệ phí đăng ký xét tuyển từ 30.000 đồng/nguyện vọng xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng nhằm hỗ trợ phần nào những khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác "lọc ảo", hướng đến hợp tác chia sẻ kết quả thi sao cho thí sinh không phải thi nhiều lần, đi nhiều nơi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cho rằng: "Chúng ta đã ứng dụng công nghệ hiệu quả. Cách đây 5-6 năm, thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng vào 1 trường, sau đó mới xét tuyển đợt 2. Năm 2020, việc tuyển sinh dựa trên công nghệ thông tin hết sức nhẹ nhàng và đây chính là 1 điển hình cho việc chuyển đổi số".