Tại hội thảo, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng chỉ ra một số khó khăn và thách thức như: Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.
Ngoài ra, tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Xem thêm: Kể từ 2023: New Zealand cấm bán thuốc lá vĩnh viễn cho người sinh sau năm 2008
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu; Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và Internet.
Kết quả này có được từ cuộc điều tra năm 2022 tại 53 trường ở 13 tỉnh, thành, với 3.873 học sinh lớp 8-10 (13-15 tuổi) tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy 3,5% số học sinh cho biết đang sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ học sinh từng thử thuốc lá điện tử là 7,8%.
Thống kê cho thấy, người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá.
Cuộc điều tra này thuộc kế hoạch Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS), do Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế.
Đây là lần thứ 4 GYTS được triển khai ở Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên nghiên cứu về tỷ lệ hút thuốc lá điện tử. Ba lần trước là vào năm 2004, 2007 và 2014, chỉ khảo sát về hút thuốc lá nói chung.