Chờ...

Ứng xử như thế nào khi bị bạo lực mạng?

VOH - Một nghiên cứu mới cho thấy, 69% sinh viên từng là nạn nhân của bạo lực mạng bằng nhiều hình thức.

Tại Hội nghị quốc gia về khoa học và công nghệ giao thông vận tải diễn ra mới đây tại trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, vấn đề "Nhận diện và phòng chống hành vi bạo lực trên không gian mạng trong môi trường giáo dục đại học" là một trong những nội dung được đề cập.

Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, kết quả khảo sát sinh viên 3 trường đại học lớn tại TPHCM trong tháng 3 và 4/2023 cho thấy, 99,9% sinh viên có sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội. Trong đó có 56% sinh viên từng bị tấn công, đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản trong quá trình sử dụng.

69% sinh từng là nạn nhân của bạo lực mạng với các hình thức như: bị bình luận miệt thị khi đăng tải thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội; bị người khác phát ngôn, đăng tải, lan truyền thông tin, hình ảnh nhằm bôi nhọ, xúc phạm; bị người khác tiết lộ thông tin bí mật đời tư, gia đình trên mạng…

bạo lực mạng
69% sinh viên từng là nạn nhân của bạo lực mạng bằng nhiều hình thức. - Ảnh: research.jgu.edu.in

Bạo lực mạng là gì?

Theo Thạc sĩ Ngô Thùy Dung - Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, thành viên nhóm nghiên cứu, hiện nay, bạo lực mạng được thực hiện dưới nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là tấn công vào hệ thống máy móc, thiết bị làm hư hỏng; đánh cắp thông tin, dữ liệu người dùng ... nhằm gây thiệt hại cho đối tượng bị tấn công.

Các hành vi bạo lực mạng cũng có thể là bạo lực ngôn từ hay bạo lực hình ảnh. Bạo lực ngôn từ liên quan đến sử dụng từ ngữ mang tính chất tiêu cực… nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, thỏa mãn cảm xúc cá nhân, vô hình gây nên những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận, thậm chí ảnh hưởng tới thể chất và có thể thiệt hại cả tính mạng.

Xem thêm: Fans Cung Tuấn bị tố liên tục làm phiền, bạo lực mạng Hách Cảnh Phương trong suốt một năm

Bạo lực ngôn từ phổ biến với những bình luận, phát ngôn mang tính miệt thị, kỳ thị, phân biệt chủng tộc, gây chia rẽ, chống phá Đảng và Nhà nước; hoặc công bố thông tin riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân nhưng không được sự đồng ý của người đó.

Một trong những hành vi bạo lực mạng phổ biến khác là phát tán hình ảnh, video “nhạy cảm” nhằm đe dọa, tấn công người xuất hiện trong hình ảnh/video; thậm chí gửi cho người không liên quan hình ảnh/video mang tính chất phản cảm hoặc bị pháp luật cấm.

Thạc sĩ Ngô Thùy Dung khẳng định: “Bạo lực mạng đang được thực hiện bằng nhiều hình thức khác
mà việc nhận diện vốn phức tạp. Nhưng dù bằng hình thức nào thì bạo lực mạng cũng là sự tấn công có chủ đích theo hướng xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Mặc dù về cơ bản, bạo lực mạng giống với bạo lực thông thường, nhưng có nhiều điểm khác biệt như: nạn nhân thường không biết danh tính của những kẻ bạo lực mình, hoặc lý do họ bị bạo lực. Sự tấn công, quấy rối này có thể có những tổn hại và ảnh hưởng lớn hơn so với bạo lực truyền thống, vì nội dung được dùng để làm phiền nạn nhân có thể được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi hơn rất nhiều…

Phòng ngừa và xử lý khi bị bạo lực mạng?

Theo Thạc sĩ Ngô Thùy Dung, bạo lực trên không gian mạng đang là một vấn đề nan giải trong xã hội hiện đại. Do đó, để phòng tránh bị bạo lực mạng và phòng tránh cố ý hay vô ý gây ra hành vi bạo lực mạng, sinh viên nói riêng và những người tham gia mạng xã hội nói chung cần chủ động tìm hiểu về các loại tấn công mạng và cách phòng ngừa.

Ngoài ra, nên bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác và cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội. Việc đưa thông tin lên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận của mỗi người nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội.

Xem thêm: Đừng chủ quan với thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Tránh tham gia vào các cuộc thảo luận bạo lực, kích động hoặc kích thích tranh cãi. Hành vi lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ.

Thạc sĩ Ngô Thùy Dung khuyến cáo các bạn trẻ: “Khi bị tấn công, xâm hại trên không gian mạng, cần bình tĩnh, thu thập chứng cứ (chụp lại, lưu giữ hình ảnh, đường link, đề nghị lập vi bằng…), trình báo cơ quan công an hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Chủ động liên hệ nhà trường, giảng viên hoặc luật sư để được tư vấn, hỗ trợ trong trường hợp cần thiết”.

Về phía nhà trường cần thiết lập hệ thống giám sát mạng để có thể phát hiện và ngăn chặn những hành vi bạo lực mạng; xây dựng chính sách về bạo lực mạng, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm và hình thức xử lý cụ thể.

Theo Thạc sĩ Ngô Thùy Dung, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, sinh viên, phụ huynh để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, giúp đỡ sinh viên khi bị tấn công, đặc biệt, cần có chính sách phản hồi kịp thời và hiệu quả khi sinh viên hay cán bộ, giảng viên bị bạo lực mạng.