Các tỉnh khó khăn gồm Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Kon Tum, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Gia Lai và Ninh Thuận.
Sau gần 10 năm Vinamilk tiên phong bắt đầu phối hợp cùng các tỉnh thực hiện chương trình Sữa học đường, tổng số lượng học sinh được thụ hưởng từ chương trình là 380.000 em và tổng ngân sách trợ giá từ Vinamilk là 92 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ chương trình Sữa Học Đường năm 2016, Vinamilk tiếp tục đồng hành cùng 6 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bắc Ninh nhằm hỗ trợ cho các em học sinh độ tuổi mầm non, tiểu học, hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thiếu hụt dinh dưỡng để các em có điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ.
Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 40 năm, Vinamilk cũng đã dành tặng 6 tỷ đồng cho 6 tỉnh đang thực hiện chương trình Sữa học đường nâng tổng số tiền hỗ trợ lên 20 tỷ đồng, tương đương với khoảng gần 4 triệu hộp sữa cho các em học sinh mầm non, tiểu học.
Dù thời gian triển khai khác nhau, nhưng Chương trình Sữa học đường tại các địa phương này đều cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ.
Với Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình sữa học đường từ năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% năm 2006 xuống còn 1,6% vào năm 2015 và SDD thể thấp còi giảm từ 4,7% năm 2012 xuống 2.7% năm 2015. Tại Bắc Ninh, nơi triển khai chương trình đầu tiên ở phía Bắc, tỷ lệ SDD nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015); và SDD thấp còi giảm từ 8% (2013) xuống còn 3,8%.
Đồng Nai hiện là tỉnh thực hiện Chương trình Sữa học đường có quy mô lớn nhất cho cả khối mầm non và một phần bậc tiểu học uống sữa trong chương trình sữa học đường. Tuy tại tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và phức tạp nhưng chương trình cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ SDD nhẹ cân năm 2013 ở mức 9% thì đã giảm còn 6,2% năm 2015 và SDD thấp còi giảm từ 10% còn 7,5%.
Bên cạnh đó, Chương trình Sữa học đường cũng đã góp phần cải thiện nhận thức của cộng đồng về việc uống sữa đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa con uống tại trường, giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho phụ huynh.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần rất nhiều vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, tạo nền tảng tốt cho tương lai của trẻ về sau. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức chưa cao, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, tỷ lệ tới 25% ở trẻ dưới 5 tuổi. Uống sữa được các chính phủ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo như là một biện pháp hữu hiệu để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng thiếu hụt, giúp cải thiện thể trạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa cho trẻ.