Sau 9 năm đổi mới công tác tuyển sinh từ năm 2015, kỳ thi Tốt nghiệp THPT với 2 mục đích - xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng - đã từng bước đi vào ổn định.
Đặc biệt, ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Tổng số chỉ tiêu đại học, cao đẳng giáo dục mầm non là 663.000. Tỷ lệ nhập học so với chỉ tiêu đạt hơn 82,4%. Tỷ lệ nhập học so với số dự thi đạt trên 53%, tỷ lệ này có khuynh hướng tăng nhẹ từ năm 2020 đến nay.
Từ năm 2018 các trường được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Năm 2019 các trường được sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.
Phân tích kết quả tuyển sinh cho thấy, 60% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp là khoảng 20 điểm, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT có tổng điểm 3 môn tổ hợp là hơn 23 điểm.
Điều đó cho thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có sự phân loại tốt hơn khi xét tuyển sinh đại học cao đẳng.
Xem thêm: Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Học chương trình nào thi chương trình đó
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, đến nay có 214/322 cơ sở thực hiện xét tuyển sớm, nhưng nhiều cơ sở đào tạo không cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển kịp thời, thậm chí có đơn vị bằng những hình thức khác nhau gọi thí sinh nhập học sớm.
Vụ trưởng thông tin thêm: “Số lượng thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm là hơn 375.000 nhưng số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 để trúng tuyển bằng phương thức này chỉ hơn 147.000. Nghĩa là, chưa đến 40% thí sinh quyết định nhập học theo phương thức này”.
Bà Thủy cũng nhấn mạnh về việc thí sinh gặp một số khó khăn trong quá trình xử lý như phải nhập thông tin dữ liệu cả vào hệ thống cơ sở đào tạo, cũng như hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, có thể gây nhầm lẫn, làm mất cơ hội trúng tuyển chính thức.
Nhiều đại biểu cho rằng, xét tuyển sớm tạo tâm lý an tâm cho thí sinh, giúp giảm tải cho hệ thống tuyển sinh, thể hiện tinh thần tự chủ của các trường. Tuy nhiên, gây khó khăn cho các trường trong dự báo tuyển sinh, khi thí sinh trúng tuyển nhưng đăng ký nhập học không nhiều.
Vì vậy, các đại biểu đưa ra một số giải pháp như: chỉ áp dụng xét tuyển sớm với những nhóm ngành tuyển sinh năng khiếu, quy định tỷ lệ phần trăm xét tuyển sớm trong tổng chỉ tiêu, cho thí sinh đăng ký nhập học sớm ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp…
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT phân tích: “Một thí sinh có thể đăng ký nhiều trường, đó là chuyện bình thường. Trong các trường thí sinh đăng ký sẽ có nhiều trường xét tuyển sớm nên cùng lúc các em đậu xét tuyển sớm nhiều trường, cũng là chuyện bình thường. Các em không chọn những trường xét tuyển sớm là nguyện vọng 1 cũng là chuyện bình thường, bởi vì mỗi thí sinh chỉ được chọn 1 trường là nguyện vọng 1”.
“Nếu phân tích tỷ lệ vì sao các em không đăng ký nhập học xét tuyển sớm dù đậu rồi là thực tế ảo thì không chính xác, bởi vì bản chất là như vậy” – ông Tùng nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, công tác tuyển sinh thuộc thẩm quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên cần đảm bảo quyền lợi của người học. Điều này chỉ công bằng khi việc xét tuyển sớm không ảnh hưởng tổng chỉ tiêu tuyển sinh và xét tuyển được những thí sinh thực sự giỏi.
Trong khi thực tế nhiều trường xét tuyển sớm với tỷ lệ cao, nên đẩy điểm trúng tuyển theo phương thức khác lên rất cao, gây tình trạng không công bằng. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần có hội thảo, chuyên đề trao đổi sâu hơn về vấn đề tuyển sinh sớm và sẽ điều chỉnh vào kỳ tuyển sinh năm 2025.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Đây là sự thiếu công bằng, là hiện trạng nhức nhối trong một vài năm qua, không chỉ ở một trường mà rất nhiều trường. Dẫn đến có trường khi tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều do không xác định được số ảo.
Có trường để không vượt chỉ tiêu đã siết chặt chỉ tiêu từ các phương thức khác. Các trường có quyền xét tuyển sớm, có thời gian để xét tuyển nhưng thí sinh phải được chọn ở cùng một thời điểm chứ không thể để cho thí sinh chọn trước rồi nhập học trước vì sẽ ảnh hưởng tâm lý đến các thí sinh khác”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các mốc thời gian của kỳ tuyển sinh năm nay 2024. Cụ thể:
- Từ 10/7 đến 17h 25/7: thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển;
- Từ 28/7 đến 17h 3/8: thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến;
- Đến 17h 18/8: thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1;
- Từ tháng 9 đến tháng 12/2024: thí sinh đăng ký các đợt xét tuyển tiếp theo.