* VOH: Thứ trưởng có nhận định như thế nào về mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như điểm chuẩn của các trường năm nay?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sáng nay, Hội đồng Xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã họp và tư vấn cho bộ trưởng xác định mức ngưỡng là 15 điểm. Căn cứ để xác định dựa vào: thứ nhất là chất lượng của nguồn tuyển. Từ lâu, Bộ GD-ĐT và các trường đều muốn xác định ngưỡng quanh 15 điểm - 3 môn, có nghĩa là trung bình mỗi môn 5 điểm.
Trước đây, thời kỳ 3 chung, chúng ta rất khó đạt mức ngưỡng 15 điểm. Năm ngoái và năm nay, khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia duy nhất, ngưỡng này đã dịch chuyển về phía 15 điểm. Đó là điều đáng mừng.
Năm ngoái, chúng ta xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 15 điểm được xã hội hoan nghênh. Năm nay, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích rất kỹ, dữ kiện đảm bảo chất lượng đầu vào cũng được thống nhất rất cao là chọn 15 điểm. Tôi cho rằng 15 điểm rất lý tưởng để đảm bảo chất lượng đầu vào cho nguồn tuyển ĐH trong năm nay.
* VOH: Điểm thi năm nay nhìn chung thấp hơn so với năm trước, đặc biệt là ở một số môn xã hội và ngoại ngữ, trong khi đó, số thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ cũng giảm, điều này ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh của các trường, đặc biệt là các nhóm trường tầm trung, các nhóm ngành ngoại ngữ, xã hội?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra, phổ điểm tổng hợp của các môn không giảm so với năm ngoái như mọi người nghĩ. Nhất là các môn khoa học tự nhiên toán, lý, hoá lại có phần nhích cao hơn so với năm ngoái. Riêng môn Sử và Ngoại ngữ tương đương năm ngoái.
Có nghĩa là, phổ điểm năm nay không bị giảm nhiều. Chỉ có điều số lượng thí sinh năm nay giảm hơn năm ngoái khoảng 120.000 làm cho nguồn tuyển giảm đi. Tuy nhiên, qua tính toán chỉ tiêu các trường đăng ký so với số thí sinh vượt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay, số dư dôi vẫn rất lớn, sẽ đảm bảo các nguồn tuyển cho các khối ngành khác nhau.
Rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường Đại học Kinh tế TPHCM trong mùa tuyển sinh 2015. (Ảnh minh họa: K.Huân)
Năm nay, ngoài các trường tuyển sinh theo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, có hơn 100 trường xét tuyển một phần chỉ tiêu của mình thông qua học bạ. Đây sẽ là nguồn bổ sung cho chỉ tiêu năm nay.
Nguồn xét học bạ khoảng 100.000 nên số lượng thí sinh xét tuyển bằng 2 phương thức này sẽ cao hơn khá nhiều so với chỉ tiêu các trường.
* VOH: Theo thống kê, số lượng thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ năm nay và tổng chỉ tiêu đầu vào của các trường khoảng cách không quá lớn. Bộ có những biện pháp nào để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, tổng chỉ tiêu các trường đăng ký khoảng 420.000. Trong đó, khoảng 100.000 xét bằng học bạ, xét qua kỳ thi THPT quốc gia là 320.000. Với 320.000 chỉ tiêu và mức ngưỡng điểm 15 thì số dư dôi là 1,27, tức là, khoảng 27% sẽ dư so với nhu cầu của các trường.
Ngoài ra, các trường còn có thể xét tuyển bằng nhiều khối thi khác nữa chứ không chỉ 5 khối thi truyền thống, nên nguồn dư dôi sẽ lớn hơn mức xác định qua 5 khối truyền thống này.
Bộ cũng nhắc các trường đảm bảo chỉ tiêu, không được tuyển vượt quá chỉ tiêu đăng ký. Chỉ tiêu này là năng lực tối đa các trường có thể đảm bảo chất lượng. Trước đây, Bộ giao chỉ tiêu và giao kinh phí, còn năm nay xác định trên năng lực tối đa của nhà trường. Nghĩa là, các trường có thể tuyển bằng hoặc dưới mức đó chứ không được tuyển trên. Bộ sẽ có những đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu đã đăng ký. Trường nào vượt quá chỉ tiêu sẽ bị chế tài theo quy định hiện hành.
Những điều thí sinh cần lưu ý
* VOH: Thứ trưởng có lời khuyên nào để các thí sinh có thể đạt kết quả xét tuyển tốt nhất?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các em đã có đủ thông tin cần thiết để xác định trường, ngành đăng ký. Điểm thi, phổ điểm và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là những thông tin cần thiết để các em chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển sắp tới. Ngoài ra, các em cũng tham khảo kết quả xét tuyển ở các trường, các ngành yêu thích năm ngoái để xác định nộp hồ sơ xét tuyển của mình.
Năm nay có nhiều phương thức nộp hồ sơ khác nhau, các em phải nghiên cứu kỹ trên trang thông tin điện tử của trường để lựa chọn phương thức nộp hồ sơ phù hợp nhất.
Các em không được rút - nộp hồ sơ trong quá trình xét tuyển nên phải suy nghĩ kỹ trước khi nộp hồ sơ. Các em nên nộp hồ sơ sớm, trường hợp có sai sót, có thể kiểm tra trên trang thông tin điện tử và đề nghị các trường điều chỉnh lại. Nếu nộp vào những ngày cuối, việc điều chỉnh này sẽ khó khăn hơn.
Sau khi trúng tuyển, các em phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời gian quy định. Đây là điểm mới trong năm nay. Các em nộp để khẳng định mình theo học trường đã trúng tuyển. Quá thời hạn mà không nộp, xem như các em không có nguyện vọng học tại trường và trường sẽ tuyển những thí sinh tiếp theo.
Chiều 28/7, Bộ GD-ĐT mở phần mềm Đăng ký xét tuyển trực tuyến để các em tập dợt, thử nghiệm đăng ký. Các em có thể vào trang web tuyển sinh của Bộ đăng ký thử. Với kinh nghiệm đó, ngày 1/8 tới các em sẽ đăng ký chính thức để tránh những sai sót có thể xảy ra.
* VOH: Rút kinh nghiệm kỳ tuyển sinh năm trước, năm nay Bộ có những biện pháp nào để đảm bảo cho công tác tuyển sinh đạt hiệu quả tốt nhất cho cả phía các trường và người học?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay Bộ sẽ hạn chế những nhược điểm, chỉ cho các em đăng ký một số nguyện vọng nhất định, các đợt xét tuyển không cho phép rút ra, nộp vào tránh áp lực tâm lý, làm các em phải chờ đợi, gây bức xúc xã hội như năm ngoái. Với những cải tiến, những đổi mới trong công tác tuyển sinh cũng như thi, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả, thuận lợi.
* VOH: Cám ơn Thứ trưởng.