Ngày 15/11, lãnh đạo các sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng... và nhiều đơn vị khác trong tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC về việc hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông ngầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP Fecon cho biết, công ty và đơn vị đối tác là các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong thi công các công trình hạ tầng, công trình ngầm như cầu, hầm vượt sông.
Đặc biệt Fecon và đối tác đề xuất ý tưởng xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho việc xây dựng cầu đối với dự án cầu Cát Lái nối tỉnh Đồng Nai và TPHCM.
Theo đơn vị này, việc xây hầm vượt sông sẽ hạn chế được các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, giảm tối đa tác động xã hội đến địa bàn dân cư đang sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án.
Sau khi nghe công ty báo cáo, chia sẻ, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cùng các đơn vị khác cho biết, thời gian tới Đồng Nai sẽ là đại công trường với nhiều cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và hệ thống giao thông được triển khai. Do đó, đây sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia đấu thầu để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Với ý tưởng đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho việc xây dựng cầu đối với dự án cầu Cát Lái, đại diện các sở, ngành đề nghị công ty có nghiên cứu kỹ hơn, báo cáo phương án cụ thể trình UBND tỉnh. Đồng thời cũng yêu cầu đơn vị chủ động làm việc với UBND TPHCM để có sự thống nhất.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GTVT.
Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức, TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), vượt sông Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai cũng nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu Cát Lái trong năm 2025 để sớm xóa bỏ phà Cát Lái. Nhưng TPHCM kiến nghị xây sau năm 2030.