Làm thế nào để nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện?

(VOH) – Khi bị CSGT xử phạt, người vi phạm có thể đăng ký nhờ bưu điện đóng tiền và nhận lại giấy tờ tại nhà thay vì phải đi nộp trực tiếp.

1. Nộp phạt qua bưu điện trong những trường hợp nào?

Nghị quyết 10/NQ-CP, Chính phủ đã thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.

“Chính phủ thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu; nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.”

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc nộp phạt vi phạm giao thông qua đường bưu điện chỉ áp dụng trong trường hợp người vi phạm chỉ bị phạt tiền mà không có các hình thức xử phạt bổ sung (ví dụ tước giấy phép lái xe…).

Do đó, thay vì mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi để nhận lại giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an, người vi phạm giao thông chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký nhận kết quả tại nhà qua Bưu điện sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. 

Đặc biệt là những trường hợp đang sinh sống tại một địa phương nhưng lại vi phạm giao thông ở một địa phương khác hoặc trường hợp không có thời gian đi lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện việc nộp phạt và nhận lại giấy tờ xe. Do đó, lựa chọn nộp phạt qua bưu điện sẽ tối ưu nhiều cho người vi phạm giao thông. 

Làm thế nào để nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện?

2. Làm thế nào để nộp phạt qua bưu điện?

Từ ngày 1/7/2016, thỏa thuận hợp tác số 69/2016 giữa Cục Cảnh sát Giao Thông và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, người vi phạm giao thông có thể nhờ bưu điện làm trung gian đóng phạt thay vì phải đi nộp phạt trực tiếp. 

Để đăng ký nộp phạt qua bưu điện, người vi phạm giao thông phải đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.

Sau đó, người vi phạm đến bưu điện gần nhất thuộc hệ thống bưu điện của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để nộp tiền phạt. Trường hợp người vi phạm bị tạm giữ giấy tờ thì bưu điện có trách nhiệm chuyển phát các loại giấy tờ bị tạm giữ cho người vi phạm.

Xem thêmMức xử phạt khi không có giấy vận tải là bao nhiêu?

3. Thủ tục nộp phạt qua bưu điện

Quy trình nộp phạt qua đường bưu điện như sau:

  • Khi vi phạm luật giao thông, bị lập biên bản và tạm giữ giấy tờ, người vi phạm có thể đăng ký hình thức nộp phạt qua bưu điện ở mặt sau biên bản. (Trình bày trước với lực lượng cảnh sát giao thông). 
  • Đến thời hạn nộp phạt qua bưu điện gần nhất để đăng ký và gửi tiền phạt cũng như phí dịch vụ.
  • Bưu điện sẽ phụ trách việc đóng tiền phạt đồng thời lấy lại giấy tờ từ cơ quan công an, chuyển đến tận nhà cho người vi phạm.

Thời gian nhận lại giấy tờ tùy thuộc địa điểm vi phạm của người đó. Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 02 ngày, đối với các huyện xa và tỉnh thành khác là 3-5 ngày

Lưu ý: Trường hợp không đăng ký hình thức nộp phạt qua bưu điện ở mặt sau biên bản sẽ không thể nộp phạt qua bưu điện mà phải đóng phạt trực tiếp tại nơi vi phạm.