Mẫu giấy vận tải mới nhất và mức xử phạt nếu không có

(VOH) – Giấy vận tải được xem là chìa khoá quan trọng mà lái xe cần phải mang theo khi vận chuyển hàng hóa trên đường, nếu không có sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

1. Giấy vận tải là gì? 

Giấy vận tải là văn bản thể hiện các thông tin liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa bằng ôtô. Giấy vận tải được xem là “lá thư” để người điều khiển, người giao nhận hàng hóa cũng như lực lượng chức năng dễ dàng trong việc kiểm tra và xác minh các thông tin liên quan đến hoạt động này.

Giấy vận tải là giấy tờ do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho tài xế mang theo trong quá trình thực hiện vận chuyển hàng hóa trên đường.

Căn cứ vào khoản Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đối với vận tải hàng hóa: 

“Giấy vận tải bao gồm các thông tin sau: tên đơn vị vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình (điểm khởi đầu, lộ trình, điểm kết thúc hành trình); số hợp đồng (nếu có), ngày tháng năm ký hợp đồng; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải. Cự ly của hành trình hoạt động được xác định từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc của chuyến đi.

Giấy vận tải do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải.

Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng uỷ quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải” 

Xem thêmLỗi không có bằng lái xe bị phạt bao nhiêu tiền năm 2021?

2. Mẫu giấy vận tải  

Mẫu giấy vận tải: Download tại đây

Khi ghi giấy vận tải cần điền rõ và chính xác các thông tin bên dưới để dễ theo dõi trong quá trình vận chuyển: 

  • Tên đơn vị vận tải
  • Tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển
  • Hành trình chuyến đi, thời gian vận chuyển
  • Tên, loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe
  • Thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải
  • Số hợp đồng (nếu có), ngày tháng năm ký hợp đồng: Ghi rõ theo đúng trên giấy vận tải 

Trong trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải. Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền), cá nhân thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải.

Mẫu giấy vận tải mới nhất và mức xử phạt nếu không có 

3. Không có giấy vận tải phạt bao nhiêu? 

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: 

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải.

Theo đó, nếu điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường mà không có hoặc không mang giấy vận tải theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Bình luận