1. Bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô
Bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, giúp bồi thường về thiệt hại, tính mạng, thân thể, tài sản đối với những bên thứ ba khi những thiệt hại này do chủ phương tiện xe cơ giới gây ra.
Đây cũng là loại hình mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo luật định nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra. Mặt khác, giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe trước những rủi ro bất ngờ.
Bảo hiểm bắt buộc sẽ được mua tại các công ty bảo hiểm. Những công ty này sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự nếu xảy ra tai nạn.
1.1 Đối tượng bảo hiểm
Đối tượng bảo hiểm là chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm sẽ thay mặt cho chủ xe bồi thường cho các tổn thất về người và tài sản cho bên thứ ba (bên bị thiệt hai do xe của chủ xe gây ra).
1.2 Quyền lợi của bảo hiểm
Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như sau:
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.
1.3 Trường hợp không được bảo hiểm
- Chủ xe cố ý gây thiệt hại, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
- Tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
- Người điều khiển xe không có giấy phép lái xe hợp lệ.
- Những thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: Giảm giá trị thương mại của xe, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong trường hợp xe bị tai nạn.
- Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.
- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
2. Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe ô tô
Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe ô tô là bảo hiểm không bắt buộc nhưng lại là gói bảo hiểm rất cần cho việc sử dụng xe.
Khi sử dụng bảo hiểm vật chất xe ô tô, trong trường hợp xảy ra các sự cố va chạm gây hư hỏng hay bị mất cắp, bên bảo hiểm sẽ bù đắp những khoản chi phí khắc phục thiệt hại giúp chủ xe hạn chế được những vấn đề về tài chính. Mức giá của bảo hiểm tùy theo từng hãng xe và thường được tính theo % giá trị của xe…
1.1 Đối tượng bảo hiểm
Xe ô tô hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: thân, khung, vỏ, máy móc và các trang thiết bị khác trên xe.
Chủ xe người sẽ được bảo hiểm bồi hoàn những thiệt hại vật chất do thiên tai, tai nạn bất ngờ cùng những vấn đề khác.
1.2 Quyền lợi bảo hiểm
Các đơn vị bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe trong những trường hợp sau:
- Đâm, va (bao gồm cả va chạm với vật thể khác ngoài xe cơ giới), lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, bị các vật thể khác rơi vào;
- Hỏa hoạn, cháy, nổ;
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên (Bao gồm nhưng không giới hạn bão, lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sụt lở, sóng thần....)
- Mất toàn bộ xe do trộm, cướp
- Hành vi ác ý, cố tình phá hoại (loại trừ hành vi ác ý, cố tình phá hoại của Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe/ Người được bảo hiểm / Lái xe / Người được giao sử dụng chiếc xe đó).
1.3 Thời hạn bảo hiểm
Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm. Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm:
- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm.
- Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm.
- Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật…
1.4 Những trường hợp không được bảo hiểm
- Hư hỏng do khuyết tật, mất giá trị, giảm dần chất lượng cho dù có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Những hư hỏng hoặc tổn thất thêm do sửa chữa.
- Các thiệt hại về điện hoặc bộ phận máy móc, thiết bị mà không phải do tai nạn cũng không được đền bù.
- Hao mòn săm lốp, bạt thùng xe, đề can, chụp đầu trục bánh xe, các chắn bùn xe, chữ nhãn hiệu, biếu tượng nhà sản xuất trừ trường hợp tổn thất này xảy ra do cùng một nguyên nhân và đồng thời với các bộ phận khác của xe trong cùng một vụ tai nạn.
- Mất cắp bộ phận của xe (Trừ khi có thoả thuận khác).
- Xe sau khi sửa chữa trùng tu, đại tu, hoặc cải tạo mới theo quy định phải đăng kiểm lại mà chưa đi đăng kiểm lại theo quy định của Nhà Nước.
- Khi xe gặp tổn thất, hư hỏng do hoạt động trong vùng đang bị ngập nước (Trừ khi có thoả thuận khác).
Chủ phương tiện xe cơ giới nói chung và xe ô tô nói riêng cần phải nhớ rằng cùng với giấy đăng ký xe ô tô, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân thì giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc của chủ xe là giấy tờ thiết yếu người tham gia giao thông luôn phải mang. Mức phí bảo hiểm xe ô tô từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô tùy theo mục đích sử dụng xe.