TPHCM đề xuất cơ chế đột phá để làm 183km metro

VOH - UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Ban cán sự đảng UBND TP xem xét nội dung đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM (đề án Metro) theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Trong tờ trình, UBND TP đặt mục tiêu phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

TPHCM đề xuất cơ chế đột phá để làm 183km metro
TPHCM đề xuất cơ chế đột phá để làm 183km metro - Ảnh minh họa HCM Metro

Theo đề án, từ nay đến năm 2035, TPHCM đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành 6 tuyến metro theo quy hoạch với chiều dài khoảng 183km. 

Đến năm 2045, sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến metro, nâng tổng chiều dài lên 351km.

Năm 2060, sẽ hoàn thành các tuyến metro số 8, 9, 10 để nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên hơn 510km. 

Để đạt được mục tiêu nêu trên, TP cần được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Nhóm cơ chế chính sách

UBND TP đã đề xuất 6 nhóm cơ chế chính sách về quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác.

Trong 6 nhóm này sẽ có 28 cơ chế đặc thù với 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Trong 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, UBND TPHCM đề xuất Quốc hội cho phép căn cứ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đã được cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư và UBND TP quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị.

TP cũng đề xuất được quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công;

TP được chủ trì tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; tổ chức nghiệm thu trong quá trình thi công và nghiệm thu hoàn thành dự án; thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy; chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Về huy động vốn

TPHCM đề xuất được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và được quyền quyết định chính sách hấp dẫn về lãi suất cho trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác.

Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Trường hợp vượt thì trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo thực tế...

Về cơ chế thẩm quyền ban hành của Chính phủ

Đối với 11 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, TPHCM đề xuất được rút gọn các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thay thế quy trình điều chỉnh và việc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch bằng văn bản chấp thuận của UBND TP.

TP cũng mong muốn được thành lập Tổng công ty Đường sắt đô thị do TP nắm giữ 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành;

Tổng công ty được sử dụng nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến khi chủ động được vốn.

Bình luận