Hội thảo do Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) chủ trì vào chiều 12/5.
Khai mạc hội thảo, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM nhấn mạnh, kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TPHCM là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường thành phố ngày càng trong sạch hơn.
Kế hoạch này nằm trong dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á do Chính phủ Đức tài trợ Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Ông An mong muốn “nhận được ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến thực trạng phát triển phương tiện giao thông điện tại thành phố, Kết quả nghiên Cứu khảo sát quan điểm người tiêu dùng và nhu cầu của doanh nghiệp vận tải đối với phát triển phương tiện giao thông điện”.
Thống kê cho thấy, phát thải trong giao thông chiếm 18% tổng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam và không ngừng tăng qua các năm. Nếu tính trong thành phố thì con số này là 45% tổng phát thải khí nhà kính, một con số rất đáng quan tâm. Do đó, giảm phát thải trong giao thông vận tải là một trong những giải pháp hàng đầu cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội đánh giá cao TPHCM trong nỗ lực xây dựng chính sách cắt giảm khí nhà kính. Cụ thể, Thành phố đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Ông Vương Quốc Thắng đánh giá, TPHCM đang dần hiện thực hóa các mục tiêu và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thực chất với các bước đi vững chắc. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của chính quyền TPHCM, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan, bộ mặt giao thông của thành phố sẽ có nhiều biến chuyển và khởi sắc trong thời gian sắp tới.
Những kịch bản phát triển phương tiện dùng điện với nhiều loại hình khác nhau vừa mang tính hiện đại vừa có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận chuyển, trên nền tảng quản lý điều hành thông minh, chính là cơ sở để thành phố hướng tới hệ thống giao thông hiện đại, tiệm cận với các chuẩn mực của thế giới.
Theo bà Urda Eichhorst - Giám đốc Dự án NDC-TIA, lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam chiếm khoảng 1/5 lượng phát thải khí nhà kính quốc gia và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở TPHCM.
Để đạt được mục tiêu chung giảm phát thải, việc thay đổi hành vi và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải là thiết yếu. Các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Bà Urda chia sẻ: “Việc chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang phương tiện giao thông điện đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Các chính quyền thành phố và quốc gia có thể thúc đẩy việc triển khai xe điện bằng cách đưa ra chính sách thuận lợi và cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Kế hoạch hành động cho phương tiện giao thông điện của TPHCM sẽ là then chốt để áp dụng trên thành phố nhanh chóng. Điều này đồng thời cũng đem lại một kinh nghiệm quan trọng để triển khai tại các thành phố khác trong tương lai”.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 20 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải công bằng 0 vào năm 2050.
Đây là cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trước toàn thế giới về trách nhiệm của Việt Nam trong phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, phát triển nhưng không đánh đổi bảo vệ môi trường.