Metro từ trung tâm TPHCM đến Cần Giờ
Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ triển khai tuyến Metro dài gần 49 km nối Quận 7 với Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Tuyến bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7), đi qua đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông đến đường Rừng Sác, rồi vào Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Tuyến này dự kiến liên kết với Metro số 4 (Depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè).
Dự án này dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2031 - 2050, với giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.
Cầu Cần Giờ
Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài khoảng 7,3 km, nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè qua sông Soài Rạp.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỉ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Công trình bắt đầu từ đường 15B (song song với Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), vượt sông và nối vào đường Rừng Sác ở huyện Cần Giờ.
Cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh hiện tại, mở ra khả năng kết nối giao thông thuận lợi giữa huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt, dự án cầu Cần Giờ sẽ được trình cấp thẩm quyền để phê duyệt. Mục tiêu là khởi công dự án vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Nút giao đường Rừng Sác
Theo Sở GTVT TPHCM, đường Rừng Sác là tuyến đường độc đạo kết nối trung tâm TPHCM, tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đến Cần Giờ (hiện việc kết nối giao thông đến huyện Cần Giờ chủ yếu qua đường thủy).
Sau khi Vành đai 3 TPHCM hoàn thành và cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào hoạt động, trục giao thông này sẽ đóng vai trò chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ, đặc biệt khi Khu đô thị lấn biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành, việc kết nối Cần Giờ với TPHCM và Đồng Nai qua đường cao tốc là cần thiết.
Sở GTVT TPHCM đã phê duyệt nhiệm vụ đầu tư cho nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỉ đồng và dự kiến đầu tư trước năm 2030.
Đường ven biển
Trục giao thông ven biển phía Nam kết nối từ Tiền Giang qua huyện Cần Giờ (TPHCM) đến Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm trong Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Tuyến đường bắt đầu từ Quốc lộ 50,Tiền Giang đến đường ven biển vượt sông Soài Rạp vào huyện Cần Giờ, kết nối cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đồng Nai.
Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 57,4 km, trong đó 38,2 km đi qua TPHCM. Tuyến dự kiến đầu tư sau năm 2030, với quy mô 4 - 8 làn xe. Đặc biệt, đoạn qua Cần Giờ sẽ kết hợp đi trên mặt đất, đi ngầm và cầu cạn để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Mục tiêu của tuyến đường là khai thác hiệu quả các cảng biển tại Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải, đồng thời hình thành hành lang kinh tế ven biển giữa Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM và Tiền Giang.