Từ món ăn no như cơm tấm, phở, bún bò huế cho đến món ăn vặt như bò bía, bột chiên, ốc... Điều này vô tình khiến Hai Sài Gòn tui nghĩ tới thông tin khá thú vị gần đây về sự tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng nghêu hấp sang tận… trời Âu.
Câu chuyện bạn bè cùng nhau đi ăn ốc thì gần như ai cũng từng đã trải nghiệm. Trong đó, nghêu hấp được xem như một trong những món phổ biến nhất. Chỉ có điều chuyện khách hàng ở châu Âu cũng rất ưa chuộng món này, và nghêu hấp trở thành mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh của ngành thủy sản lại gây bất ngờ cho không ít người.
Tư hưu trí và Ba thợ hồ không ngoài dự đoán, ngay lập tức thể hiện vẻ mặt đầy ngạc nhiên. Thấy vậy thì Hai Sài Gòn tui mạnh dạn chia sẻ: Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP, thì xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 37 triệu đô la Mỹ, tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Và trong số này thì sản phẩm từ nghêu chiếm tỷ trọng cao nhất như nghêu nâu, nghêu trắng, nghêu lụa dưới dạng luộc, hấp. Đặc biệt, nhiều nhất chính là nghêu hấp chế biến sẵn.
Nói đến thị trường Liên minh châu Âu thì có vẻ hơi “mênh mông” quá, nên Hai Sài Gòn tui giúp hai ông bạn già “khoanh vùng” lại để nắm bắt chi tiết hơn: Theo tìm hiểu của tui thì ba nước Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Việt Nam lớn nhất, với giá trị tăng trưởng khoảng 20 cho đến tới 76% so với cùng kỳ 2020.
Thấy vẻ mặt Tư hưu trí và Ba thợ hồ có vẻ đã “giãn” ra một chút thì Hai tui lại tiếp tục nói: Lý giải từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, tỷ lệ tăng trưởng tốt như vậy do đây là những sản phẩm chế biến sẵn, tiện lợi trong mùa dịch bệnh và giá cả phù hợp. Mặt khác, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam lại không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Đến đây thì Ba thợ hồ nhanh nhảu góp lời: Cái này thì tui biết nè! Gì chứ nói đến nghêu thì ở Thành phố mình cũng có huyện Cần Giờ nuôi trồng diện tích đáng kể. Tư hưu trí gật gù đồng tình và bổ sung rằng, nuôi nghêu nói riêng và nuôi trồng thủy hải sản nói chung phát triển khá tốt ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua. Từ chia sẻ hai anh, càng củng cố cho lý giải về lợi thế nguồn nguyên liệu sản phẩm nghêu sò luôn sẵn sàng ngay trong nước. Do vậy việc tăng tỷ lệ xuất khẩu chỉ còn phụ thuộc vào việc tiếp cận được thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả.
Hai Sài Gòn tui đồng tình với quan điểm ngành hàng nghêu nói riêng, hay nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung có tiềm năng để duy trì tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Ở đây, Hai tui xin phân tích thêm, sở dĩ khách hàng châu Âu lựa chọn sản phẩm nghêu hấp, luộc chế biến sẵn không chỉ vì tính tiện lợi mà còn liên quan đến nguồn gốc văn hóa ẩm thực. Ba nước Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là những quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải, có nhiều đặc điểm tương đồng về khí hậu cũng như sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Người dân nơi đó luôn tiêu thụ rất nhiều thủy hải sản cho bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là họ chế biến nghêu sò các loại thành những món ăn truyền thống, phổ biến với mọi người như cơm hải sản Paella ở Tây Ban Nha hay Risotto ở Italy. Phân tích sâu thêm một chút như vậy, để càng khẳng định cơ sở phát huy lợi thế ngành hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt là sản phẩm chế biến sẵn tương tự như món nghêu hấp, luộc.
Tư hưu trí và Ba thợ hồ nghe vậy thì gật gù đồng tình, nhận xét: Nghe Hai Sài Gòn nói có lý quá, vậy giờ chỉ cần chăm sóc thật tốt các thị trường này để “giữ mối” rồi làm tiếp tục mở rộng sang những quốc gia còn lại trong khối Liên minh châu Âu. Mà sẵn nghe Hai Sài Gòn kể chuyện vậy tự nhiên thấy thèm ăn nghêu quá, nên cả 3 không ai bảo ai, mỗi người tự đặt hàng trực tuyến tìm mua ủng hộ sản phẩm nghêu hấp chế biến sẵn về làm món nghêu hấp sả ăn cho đỡ thèm!