Chuyện phố phường: Rộng đường làm ăn với Mỹ

(VOH) - Trong mùa dịch Covid-19 hiện nay phải chủ động, linh hoạt trong quan hệ giao thương quốc tế thì mới có thể góp phần thực hiện mục tiêu kép..

Thưa bà con! Ngày 24/7 vừa qua, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ chính thức cho công bố không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau khi có kết luận của vụ việc điều tra xoay quanh vấn đề này. Và đây cũng chính là chủ đề của bàn tròn cà phê… online sáng nay.

Người hào hứng khơi chủ đề trước tiên không ai khác chính là Hai Sài Gòn. Thiệt tình Hai tui khi hay tin thì trong lòng vui mừng hết sức bởi không phải vì tui “mê Mỹ” hay “mê Tây”, mà bởi vì khách quan mà nói, thị trường Hoa Kỳ, tức nước Mỹ như cách gọi thông thường, luôn là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng. Ngoài ra, thông quan được “sân chơi” này sẽ “bắt cầu” mở ra nhiều cánh cửa thương mại quan trọng khác ở thị trường Bắc Mỹ nói riêng lẫn toàn cầu nói chung.

Chuyện phố phường: Rộng đường làm ăn với Mỹ 1
Ảnh minh hoạ. 

Tư hưu trí cười tủm tỉm: Nói về lợi ích gián tiếp như Hai Sài Gòn thì việc Mỹ mở cửa thị trường thì gần đây có một ví dụ thực tiễn vô cùng sống động. Chuyện là hôm 27/07 thì ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ đã có hai lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Biden, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ khẩn thiết kêu gọi chính quyền Mỹ cung cấp nhiều hơn nữa vắc xin cho Việt Nam, bao gồm cả vắc xin AstraZeneca trong kho dự trữ và các bộ xét nghiệm, đồ bảo hộ y tế.

Giờ tới lượt Ba thợ hồ hớn hở: Đã là bạn hàng làm ăn mà cứ bị dịch bệnh hoành hành hoài thì sao phát triển được chớ đúng hông. Nhất là nhiều thương hiệu giày dép, may mặc của Mỹ đều đặt phân xưởng sản xuất tại Việt Nam. Cho nên kêu gọi hỗ trợ vaccine và hỗ trợ Việt Nam chống dịch thì quá hợp lý rồi chớ còn gì nữa!

Nghe hai ông bạn già nói chuyện không phải là không có lý. Tuy vậy, điểm đáng mừng quan trọng nhất trong quyết định từ Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ vẫn là về phát triển kinh tế và hoạt động thương mại. Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 5 năm 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Theo Tổng cục Hải quan, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, thương mại Việt Nam và Mỹ đạt trên 53 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 38 tỉ đô la Mỹ, đạt mức tăng trưởng khá.

Quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có xu hướng tăng dần như hiện nay không phải là sự ngẫu nhiên. Trở lại với quyết định của Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ về điều tra mục 301 Đạo luật thương mại 1974, liên quan đến các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam đối với vấn đề định giá thấp tiền tệ từ năm 2020, Bộ Công thương đã khẳng định những nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp từ lãnh đạo Chính phủ đến các bộ ngành, cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã mang lại kết quả tích cực.

Đặc biệt, ngay sau đó không lâu, hôm 30/7 Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào tháng tới, nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế và hợp tác với hai đối tác then chốt của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay đang đặt Việt Nam vào một vị trí đối tác chiến lược về nhiều mặt, chứ không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu, các sản phẩm tiêu dùng cho thị trường Hoa Kỳ.

Ba thợ hồ tấm tắc: Hai Sài Gòn nói dông nói dài thì chung quy lại vẫn là kỳ này Việt Nam sẽ rộng đường làm ăn với Mỹ. Hy vọng doanh nghiệp trong nước có thể nắm bắt cơ hội này để giúp kinh tế nước nhà có thêm động lực tăng trưởng. Tất nhiên, nói về phát triển kinh tế bền vững thì không chỉ chú trọng mỗi thị trường Mỹ mà còn phải hướng đến các thị trường trọng điểm khác như EU, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Phi và khu vực Đông Nam Á.

Hai Sài Gòn và Tư hưu trí nghe vậy cũng gật đầu đồng tình. Mỹ, EU hay Nhật, Hàn, Trung Quốc, châu Phi, Đông Nam Á đều gần giống như nhau. Tức là hễ tìm được thị trường, tìm được khách hàng thì ta cứ vui vẻ hợp tác làm ăn. Trong mùa dịch Covid-19 hiện nay phải chủ động, linh hoạt trong quan hệ giao thương quốc tế thì mới có thể góp phần thực hiện mục tiêu kép, tức vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế – xã hội một cách hiệu quả chứ!