Đặc sản mùa dịch Covid-19

(VOH) - Ngoài “Mì lướt ống” còn có gạo lướt ống, cơm lướt ống, khoai lang lướt ống, chợ “với”, chợ “thẻ”, tủ lạnh “cộng đồng”, siêu thị “0 đồng” là những cái tên mới xuất hiện trong mùa dịch Covid-19.

Thưa bà con, tuân thủ giãn cách, không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, 3 ông bạn già rù rì  nói chuyện cho qua ngày, qua tháng.  Hai Sài Gòn khơi mào: Tui thấy thành phố mình mùa dịch này xuất hiện nhiều đặc sản quý lắm nha anh Tư. Những đặc sản này, ngày thường khó mà tìm, khó mà gặp nha.

Đặc sản mùa dịch Covid-19 1
Bảng thông tin của "ATM lướt ống" được đặt trước nhà thờ Tân Sa Châu

Tư hưu trí liền tò mò: đâu đâu, đặc sản gì, anh Hai giới thiệu cho tụi tui thưởng thức với coi.

Hai Sài Gòn hỏi: Anh Tư và chú Ba có ăn “mì lướt ống” chưa?

Tư hưu trí gãi đầu: Tới từng tuổi này, tui chỉ mới có ăn mì gõ, mì xào, mì thẩy hay mì gói thôi. Chứ chưa được ăn “mì lướt ống” bao giờ.

Ba thợ hồ cũng ngơ ngác trả lời: lướt thì tui cũng chỉ mới ăn tàu hủ lướt ván ngoài mấy quán nhậu thôi. Chứ “mì lướt ống” chưa nghe bao giờ cà.

Hai Sài Gòn liền cười khẩy nói: bởi vậy mới nói đặc sản. Nè, ngoài “mì lướt ống” còn có gạo lướt ống, cơm lướt ống, khoai lang lướt ống nữa nha.

Tư hưu trí cắt ngang: à, cái này là nhà thờ Tân Sa Châu ở phường 2, quận Tân Bình làm để hỗ trợ những người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải không anh Hai?

Hai Sài Gòn bị bắt giò liền nói huỵch toẹt luôn: Đúng rồi anh Tư. Để đảm bảo phòng chống dịch cũng như giúp đỡ kịp thời cho người dân, nên nhà thờ Tân Sa Châu mấy tuần qua đã chuyển từ gian hàng không đồng sang ATM lướt ống. Đúng là đặc sản Sài Gòn. Mỗi ngày đặc sản này hoạt động vào 3 khung giờ: sáng, trưa và chiều, lướt ống để phát khoảng 300 phần quà cho bà con nghèo, khó khăn.

Ba thợ hồ nghe vậy cũng chen vô góp 1 đặc sản: Vậy mấy anh tìm được ở đâu ra đặc sản: “chợ thẻ”, “chợ với” nè ?

Tư hưu trí liền hỏi: “chợ với”, “chợ thẻ” cái này lạ à nha chú Ba. Đâu chú Ba nói về đặc sản này coi?

Ba Thợ hồ liền hếch mũi nói: Thì do dịch, các chợ bị hạn chế buôn bán, nếu có thì phải giăng dây để đảm bảo khoảng cách người mua, người bán. Nên ở ngoài dây, người mua “với” vào để đưa tiền, còn bên trong, người bán “với” ra để đưa hàng. Đặc sản chợ với là thế đó anh Tư à.

Tư hưu trí gật gù: Đúng là đặc sản chú Ba. Vậy “chợ thẻ” là sao chú Ba.

Ba thợ hồ liền đáp: Vừa rồi, Ban quản lý chợ Bình Thới, quận 11 vừa áp dụng phát thẻ cho người dân và tiểu thương để ra vào chợ. Như vậy sẽ  hạn chế việc tiếp xúc và tụ tập đông người. Chợ phát thẻ thì gọi là chợ thẻ thôi anh Tư.

Không chịu thua anh em, Tư hưu trí hỏi lại: Vậy chú Ba với anh Hai có nghe: siêu thị bao cấp chưa. Cái này tuy cũ mà mới, tuy mới mà cũ nha.

Ba thợ hồ liền nói móc: anh Tư lại kể chuyện hồi thời bao cấp nữa chứ gì. Thôi, đừng hồi tưởng chuyện cũ nữa anh Tư ơi, già rồi, cứ hay kể chuyện cũ hoài.

Tư hưu trí đâu chịu, liền nói: Tui nói cũ mà mới. Nè, ở nhà văn hóa Thể thao Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức đang thực hiện siêu thị mi ni 0 đồng. Người dân được phát phiếu ghi rõ thời gian đến siêu thị mua sắm, chia lượt để đảm bảo giãn cách và hạn chế tập trung đông người. 200 hộ dân nghèo, cận nghèo, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được phát 3 phiếu đi siêu thị miễn phí, mỗi phiếu có giá trị 200.000 đồng. Vậy không phải siêu thị bao cấp là gì chú Ba.

Ba thợ hồ gật gù: vậy cứ cho nó là đặc sản đi. Mà nhiều đặc sản vậy cũng đỡ cho dân mình.

Hai Sài Gòn cười khẩy nói: còn cái này mới lạ nữa nè. Nhà nào cũng có 1 cái cho riêng mình. Mà bây giờ mới có một cái cho chung hết.

Ba thợ hồ liền hỏi: Có gì anh nói đại đi anh Hai. Tui sợ nhất mấy ông nhà báo. Đúng hay sai 1 chữ là thành chuyện khác rồi. Nói đi ông nhà báo.

Hai Sài Gòn cười nói:  “Tủ lạnh cộng đồng”. Có ai nghe chưa ?

Tư hưu trí trố mắt hỏi: chuyện vậy cũng có à. Cái tủ lạnh cộng đồng thì sử dụng sao ta? Ai cũng đến lấy ra được à?

Hai Sài Gòn liền đáp: Không chỉ lấy ra mà còn bỏ vô nữa anh Tư ơi. Thịt: có nè, cá: có nè, trứng: có nè, cả rau củ nữa. Ai dư đem bỏ vào, ai thiếu đến lấy ra.

Tư hưu trí háo hức: hay vậy ta, như vậy thì thức ăn sẽ được bảo quản lâu, tránh lãng phí để lâu ngoài nắng, nóng hư nữa chứ.

Hai Sài Gòn cho biết thêm: đúng rồi anh Tư, cái tủ lạnh này được đặt trước nhà số 100 đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh để cung cấp miễn phí thịt, rau củ, trứng… cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.  Nghe đâu, người khởi xướng đặc sản này còn chuẩn bị khởi xướng thêm 1- 2 cái nữa ở một số địa điểm đó anh Tư.

Tư Hưu trí liền vỗ đùi cái chát: Hay quá anh Hai ơi, qua cái dịch này mới thấy Sài Gòn mình xuất hiện nhiều đặc sản quý quá anh Hai. Sài Gòn mới hắt xì chút mà xuất hiện nhiều liều thuốc, xuất hiện nhiều đặc sản quý quá.

Ba Thợ hồ cũng tâm đắc nói: Trời, anh Tư không nghe câu: thành phố Hồ Chí Minh mình luôn cùng cả nước, vì cả nước. Thành phố mình luôn đi tiên phong trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, thì mùa dịch này, mình tự giúp đỡ nhau trong khó khăn, đó là bản tính của người thành phố mình rồi. Chẳng mấy chốc, Sài Gòn mình sẽ mau khỏe lại thôi anh Tư ơi.