Đó cũng là đề tài cho những người “ngồi” cà phê sáng bàn tán, thảo luận.
Ba thợ hồ cho là hành động hy sinh xương máu của các "hiệp sĩ" đường phố xứng đáng được mọi người tôn vinh và nể trọng.
Nghe bài viết tại đây.
Đội "hiệp sĩ" bị cướp sát hại và gây thương tích tối 13/5 gồm 10 thành viên. Trong đội, có người là công chức, người buôn bán hoặc cùng chạy xe ôm. Đội hoạt động dựa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, dùng xe nhà, xăng tự đổ, thành viên trong nhóm có hành động vụ lợi sẽ bị trục xuất. Hai Sài Gòn thông tin về tình cảm của người dân TP, người dân mấy tỉnh lân cận ai cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự dũng cảm của nhóm hiệp sĩ đường phố.
Tư hưu trí cho là lãnh đạo TPHCM chỉ đạo Công an TP phải khẩn trương truy bắt cho bằng được bọn cướp nầy để pháp luật trừng trị. Chiều ngày 14/5 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của tập thể các "hiệp sĩ" đường phố, không quản ngại nguy hiểm, xả thân bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Các hiệp sĩ đối mặt với tội phạm trên đường có hung khí rất nguy hiểm, cần phải hỗ trợ áo giáp cho họ. Công an TP và các cơ quan chức năng cần phải tính toán về việc này để giảm thiểu rủi ro khi bắt tội phạm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm hiệp sĩ bị nhóm trộm xe đâm trọng thương.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đến thăm hỏi các hiệp sĩ bị thương đang điều trị tại bệnh viện và chỉ đạo TP sẽ thanh toán tất cả chi phí cho các "hiệp sĩ" bị trọng thương.
Ba thợ hồ thắc mắc “tại sao có danh xưng hiệp sĩ đường phố, xuất phát từ đâu?”. Đúng “tần số” của Hai Sài Gòn, anh phát sóng liền: “Theo tui biết thì xuất phát từ TP mình và người đầu tiên là Anh Nguyễn Văn Minh Tiến, ngụ tại quận Tân Bình cũ, nay là Tân Phú, người đã truy bắt quả tang thành công nhiều tội phạm cướp giật ở TPHCM. Từ năm 1997 đến hết năm 2009, anh đã thực hiện gần 400 vụ truy đuổi tội phạm và nhiều lần được chính quyền khen thưởng, được công nhận là quần chúng tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Anh được người dân và báo chí gọi thân mật là "hiệp sĩ đường phố", "Lục Vân Tiên". Rất nhiều lần, anh dùng xe máy rượt đuổi tội phạm trên những quãng đường dài. Đối mặt với nhiều nguy hiểm trong đuổi bắt và chiến đấu với tội phạm, song anh không nản. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi anh là "anh hùng trên mặt trận săn bắt cướp". Năm 2005, anh Tiến là một trong 8 đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội.
Tư hưu trí bổ sung thêm các “hiệp sĩ đường phố” xuất hiện tự phát trong bối cảnh an ninh ở nhiều nơi không được đảm bảo, do những người thích làm việc nghĩa, tự nguyện giúp đỡ cộng đồng ngăn chặn cái ác. Mô hình này chỉ có tại một số tỉnh phía Nam. Phải khẳng định rằng rất nhiều "hiệp sĩ" đã có những đóng góp nhất định khi nhiều lần phát hiện và bắt tội phạm, giúp đỡ người dân bảo vệ tài sản, tính mạng, hỗ trợ lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự.
Tuy nhiên, cách thức hoạt động của mô hình “hiệp sĩ đường phố” ở một số nơi vẫn mang tính phong trào, hoàn toàn xuất phát từ sự nghĩa hiệp của người dân?. Những hiệp sĩ đường phố thường làm công việc lưu động, như xe ôm, chở hàng nên dễ dàng phát hiện và truy bắt tội phạm ở mọi địa bàn. Anh em hiệp sĩ khi đã chọn làm việc săn bắt cướp giúp xã hội bình yên hơn thì sẽ không bao giờ chùn bước. Vì nếu chùn bước thì cướp giật càng lộng hành.
Nói về trách nhiệm theo luật pháp thì, công an mới là lực lượng nòng cốt trong công tác trấn áp tội phạm, vì được Nhà nước giao nhiệm vụ, còn các lực lượng khác chỉ có vai trò tham gia, hỗ trợ.
Hai Sài Gòn cho rằng hiện chưa có quy định nào về trách nhiệm của “hiệp sĩ đường phố”. Do đó, cần có một quy chế hoạt động và trách nhiệm, chế độ rõ ràng để phát huy, nhân rộng, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân họ. Theo tôi các địa phương nên nghiên cứu tìm biện pháp để đảm nhận những phần việc giữ gìn an ninh trật tự trên tất cả các tuyến phố để mọi người dân có được cuộc sống bình yên.
Về sự hy sinh, thương tật của các hiệp sĩ nầy, các địa phương, cộng đồng dân cư nên tìm các quỹ hỗ trợ họ bằng cách này hay cách khác giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, đồng thời cũng là cách khuyến khích những người có tâm, ý thức, trách nhiệm tham gia việc chung của cộng đồng. Những người có mặt trong quán cà phê đều cho là chí phải./.