Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 10»2»Bài 66: Soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết ...

Bài 66: Soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh

Soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh Văn 10 bộ sách giáo khoa một cách đầy đủ, chi tiết, xúc tích, ngắn gọn và dễ hiểu.

Xem thêm

Câu 1/SGK Văn 10 cơ bản, tập 2, trang 71

Đọc phần Tiểu dẫn bài Thơ hai-cư của Ba-sô( Ngữ văn 10, tập một) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

bai66-tom-tat-van-ban-thuyet-minh-van10
Ma-su-ô Ba-sô

a) Xác định đối tuợng thuyết minh của văn bản

b) Tìm bố cục của văn bản

c) Viết đoạn văn tóm tắt phần thuyết minh về thơ hai-cư. 

Gợi ý

Đối tượng thuyết minh: Tiểu sử, sự nghiệp của nhà thơ Ma-su-ô Ba-sô và những đặc điểm của thể thơ hai-cư.

Bố cục:

  • Đoạn 1 (từ đầu đến M.Si-ki (1867-1902),…): Tóm tắt tiểu sử và giới thiệu những tác phẩm của Ma-su-ô Ba-sô.
  • Đoạn 2 (còn lại): Thuyết minh về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của thơ hai-cư.

Viết đoạn tóm tắt phần thuyết minh về thơ hai-cư:

Thơ hai-cư có số từ vào loại ngắn nhất thế giới, chỉ có 17 âm tiết, được chia làm ba đoạn theo thứ tự 5-7-5 âm. Mỗi bài thơ có tứ thơ nhất định, qua phong cảnh, sự vật khơi gợi cảm xúc, suy tư. Thơ hai-cư sử dụng quy tắc quý ngữ (từ chỉ mùa), thấm đẫm tinh thần Thiền tông và tinh thần văn hóa phương Đông. Về cảm thức thẩm mĩ, thơ hai-cư đề cao cái Vắng lặng, Đơn sơ, U huyền,…Về ngôn ngữ, thơ hai cư không cụ thể hóa sự vật, mà thường chỉ dùng nét chám phá, để lại nhiều khoảng trống cho trí tưởng tượng của người đọc. Thơ hai-cư là đóng góp lớn của Nhật Bản vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Câu 2/SGK Văn 10 cơ bản, tập 2, trang 72, 73.

Đọc văn bản Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội và thực hiện các yêu cầu:

bai66-tom-tat-van-ban-thuyet-minh-van10-1
Đền Ngọc Sơn

a) Xác định văn bản Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội thuyết minh về vấn đề gì? So với các văn bản thuyết minh ở phần trên, đối tuợng và nội dung thuýêt minh của Luơng Quỳnh Khuê có gì khác?

b) Viết tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.

Gợi ý

Đối tượng thuyết minh: Thắng cảnh đền Ngọc Sơn.

Điểm khác của của văn bản này so với các văn bản thuyết minh trên:

  • Đối tượng là một thắng cảnh.
  • Nội dung: Vừa giới thiệu đặc điểm kiến trúc vừa ca ngợi vẻ đẹp của đền Ngọc Sơn; đồng thời bày tỏ tình yêu, niềm tự hào đối với một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên:

Đến thăm đền Ngọc Sơn, hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng là Tháp Bút, Đài Nghiên. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp có ngọn bút trỏ lên trời xanh, trên mình tháp có ba chữ “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút là cổng Đài Nghiên. Gọi là “Đài Nghiên” bởi cổng mang hình tượng “cái đài” đỡ “nghiên mực”, được tạc bằng đá đặt trên đầu ba chú ếch với ý “ao nghiên, ruộng chữ”. Phía sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc nối sang Đảo Ngọc, nơi tọa lạc ngôi đền thiêng giữa rì rào sóng nước.


Giáo viên biên soạn: Lê Thị Kim Ngân

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 65: Soạn bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt
Bài 70: Soạn bài Lập dàn ý bài văn nghị luận