Thực tế cho thấy, không ít học sinh, nhất là ở vùng nông thôn không có nhu cầu học lên cao đẳng, đại học, thay vào đó, các em thường muốn học nghề trong thời gian ngắn và đi làm để giảm áp lực cho cha mẹ, sớm có thu nhập để phụ giúp gia đình.
Đây là nguyện vọng chính đáng và cũng tương đối hợp lý vì việc học nghề sẽ giúp học sinh học tập trung vào chuyên môn, học lý thuyết đi đôi với thực hành – dễ thạo nghề và rút ngắn được thời gian học.
Hơn nữa, nếu học lực của học sinh không đủ để thi vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề thì vẫn có nhiều cách, nhiều nghề để học – phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình.
Dưới đây là một số nghề mà các em học sinh có thể cân nhắc lựa chọn bởi các nghề này có thể học trong thời gian ngắn mà không cần thi đầu, trong khi đó cơ hội việc làm vẫn cao với thu nhập tốt.
1. Nghề làm tóc, vẽ móng
Làm tóc/vẽ móng là nghề không đòi hỏi học sinh có trình độ học vấn cao mà chỉ cần sự yêu thích và đam mê.
Hiện có rất nhiều trung tâm dạy làm tóc, vẽ móng mà học viên không cần thi đầu vào. Khi học nghề này, học viên có thể mở tiệm cắt tóc, gội đầu, vẽ móng cho riêng mình hoặc làm việc tại các tiệm/salon tóc – đang được mở ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu làm đẹp của phái nữ và cả phái nam.
Thu nhập: Học viên có thể xin được việc làm tại các salon với mức thu nhập trung bình từ 10-15 triệu đồng hoặc mở tiệm riêng với thu nhập cao hơn nếu đông khách.
Yêu cầu: Nghề cắt tóc, vẽ móng yêu cầu người làm nghề phải có sự sáng tạo, khéo tay, tỉ mỉ, quan sát tinh tế; có khả năng tưởng tượng không gian và nhận biết tốt hình dạng vật thể và ham học hỏi, thường xuyên cập nhật xu hướng mới.
2. Nghề spa/massage
Nghề spa, massage là nghề nhiều tiềm năng phát triển do cả nam giới và nữ giới đều ngày càng quan tâm đến vẻ đẹp ngoại hình. Họ cũng thường sử dụng các dịch vụ spa như một trong những cách giảm bớt căng thẳng và áp lực của cuộc sống.
Nói đến nghề massage, hiện nay người ta không còn định kiến coi thường như một nghề nhiều góc khuất trước đây bởi thực tế, ngày càng có nhiều spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp được mở ra để phục vụ cho nhiều đối tượng, đặc biệt là những người làm công việc văn phòng vốn bó buộc và nhiều áp lực. Do đó, nhìn ở mặt tích cực, đây là nghề tiềm năng và có thu nhập tốt tại các thành phố lớn.
Việc học nghề cũng khá đơn giản khi học viên chỉ cần đăng ký theo học tại các trung tâm chuyên đào tạo học viên massage, chăm sóc sắc đẹp (da, tóc…). Trung bình mỗi khóa học chỉ kéo dài từ 2 - 6 tháng với mức học dao động chỉ từ 2 - 10 triệu đồng (phụ thuộc vào cấp độ mà học viên muốn đạt được trong nghề).
Thu nhập: Đối với một nhân viên spa mới vào nghề, lương cơ bản thường dao động trong khoảng từ 4 – 6.5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao, mức lương cơ bản có thể đạt 9 – 11 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tới các khoản khác như hoa hồng, phụ cấp…
Yêu cầu: Nghề spa/massage đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo, tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, nghề này yêu cầu về tính cách và ngoại hình, chẳng hạn như nói năng nhẹ nhàng, kiên nhẫn, giao tiếp tốt, có làn da đẹp… - vì thực tế, mỗi kĩ thuật viên spa hay massage đều là bộ mặt của trung tâm mình làm việc.
3. Nghề may
May không phải là nghề mới nhưng vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn hiện nay. Nếu một người muốn theo nghề này nhưng làm việc trong các công ty lớn, chuyên nghiệp, hướng tới những đối tượng khách hàng có thu nhập cao thì có thể theo học ngành Thiết kế thời trang tại các trường đại học.
Tuy nhiên, nếu muốn mở một tiệm may riêng, hướng tới các đối tượng khách hàng bình dân hơn, thì các em có thể học nghề may tại các trung tâm, các nhà may. Đây là cách học nghề truyền thống theo dạng “truyền nghề” đã có trong nhiều năm qua.
Để học nghề này, học sinh cần tham khảo thông tin tại những trung tâm dạy cắt may, nhà may uy tín (có nhận dạy nghề). Theo học nghề này, học viên sẽ chỉ mất vài tháng đến 1 năm để học một hay nhiều chuyên đề khác nhau như Cắt may chuyên nghiệp; Cắt may đầm; Cắt may áo dài; Cắt may vest nữ; May mẫu hàng công nghiệp; Sửa chữa quần áo…
Học phí học nghề may không quá cao, trong khi đó học viên luôn được học lý thuyết kết hợp thực hành nên sẽ khá tiết kiệm thời gian. Sau khi học nghề, học viên có thể mở tiệm may riêng để bắt đầu khởi nghiệp với lựa chọn của mình.
Thu nhập: Nếu không mở tiệm riêng, sau khi học nghề may, học viên có thể xin việc tại các nhà máy với thu nhập dao động trong khoảng từ 5-8 triệu đồng/tháng. Nếu có tay nghề cao, có kinh nghiệm hoặc được làm tổ trưởng thì thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.
Nếu mở tiệm may riêng hoặc mở tiệm sửa chữa quần áo (gần chợ) thì thu nhập có thể cao hơn.
Yêu cầu: Để làm nghề may, người học cần có tính sáng tạo, khéo tay, tỉ mỉ; thị lực tốt; trí tưởng tượng không gian tốt và kiên trì…
4. Nghề sửa điện thoại
Nghề sửa chữa điện thoại là một trong những nghề “hot” hiện nay. Bạn có thể theo học nghề này tại các trung tâm dạy nghề ngay khi học xong lớp 9 hoặc học nghề trước khi 30 tuổi.
Không phải ngẫu nhiên mà có có con số này bởi trên thực tế, đây là nghề thường xuyên có sự cải tiến, thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Với độ tuổi được nói là “trẻ” như trên thì người làm nghề mới có được sự nhanh nhạy với công nghệ và khả năng tìm tòi, tự học – và làm tốt nghề của mình.
Thu nhập: Mức lương của một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động dao động từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Thu nhập có thể đạt 8 - 12 triệu đồng/tháng sau vài năm.
Yêu cầu: Để làm được nghề này, người làm cần có tính kiên nhẫn, bình tĩnh và sự tập trung cao độ bởi thường xuyên tiếp xúc với các vi mạch rất nhỏ.
5. Nghề sửa xe máy
Thống kê cho thấy, năm 2018, Việt Nam có khoảng 46 triệu xe máy và loại phương tiện giao thông này đang tiếp tục tăng rất nhanh. Do đó, nghề sửa chữa xe máy chưa bao giờ hết cơ hội việc làm, đó là chưa kể nghề này có thời gian học việc nhanh.
Nghề sửa chữa xe máy không đòi hỏi trình độ cao siêu mà chỉ cần chăm chỉ, chịu khó nâng cao tay nghề và sửa chữa có tâm thì chắc chắn sẽ làm không bao giờ hết việc.
Để học nghề sửa chữa xe máy, bạn có thể học tại các trường dạy nghề hoặc các tiệm sửa xe máy vì cả hai hình thức này đều có ưu và nhược điểm.
Học ở tiệm sửa xe máy sẽ nhanh và ra nghề sớm hơn do vừa học, vừa sửa trực tiếp xe của khách. Tuy nhiên, học tại tiệm sửa chữa thì cách sửa chữa mang tính kỹ năng đơn lẻ, thiếu sự logic và tổng thể. Nếu muốn nâng cao tay nghề, hiểu rõ bản chất của sự hỏng hóc thì sẽ khó vì học viên sẽ không hiểu nhiều về cơ chế hoạt động của xe.
Học tại các trung tâm dạy nghề có nhược điểm là thời gian học dài hơn, thực hành ít hơn nhưng lại có ưu điểm lớn là học viên được đào tạo bài bản và tổng thể, có nền tảng kiến thức vững vàng, hiểu rõ nguyên lý hoạt động của xe, từ đó có thể tự học và nâng cao tay nghề. Sau khi ra trường, học viên cần thêm một thời gian làm việc và tích lũy kinh nghiệm để có việc làm tốt tại các trung tâm bảo trì, đại lý chính hãng của hãng xe hay làm việc tại các tiệm sửa xe hoặc mở cửa hàng riêng.
Thu nhập: Mức thu nhập của thợ sửa xe máy có tay nghề vừa phải sẽ ở mức 5 - 8 triệu đồng/tháng. Nếu là chủ một tiệm xe đông khách thì thu nhập sẽ cao hơn.
Yêu cầu: Để thành công và thu nhập tốt trong nghề này, người thợ sửa cần có tư duy logic, trí nhớ tốt; tỉ mỉ, kiên trì, nghiêm túc thực hiện các qui trình kĩ thuật; có năng lực chú ý tốt. Ngoài ra cần có kiến thức kỹ thuật về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động… và nhiều kinh nghiệm.
6. Nghề PT
PT (viết tắt của Personal Trainer) – huấn luyện viên cá nhân là một nghề tương đối mới.
Hiện nay, nhu cầu về tập thể hình (gym) ngày càng tăng và tập thể hình đang trở thành một xu hướng khiến cho số lượng PT thể hình cũng tăng theo. Tại các thành phố lớn, PT đang là một nghề “hot”.
Trong bộ môn thể hình, PT sẽ là người kiểm tra thể lực, các chỉ số về thể hình của học viên; xây dựng cho học viên một chương trình luyện tập và chế độ dinh dưỡng riêng với thời gian biểu và các bài tập cụ thể đồng thời hướng dẫn người tập từng bài tập, theo dõi cách tập và chỉnh sửa cho người tập đúng kỹ thuật để giảm mỡ, tăng cơ theo mong muốn...
Hiện chưa có nhiều quy định và chứng nhận do Nhà nước cấp phép các huấn luyện viên cá nhân. Do đó, để làm nghề này, học viên có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại một số trung tâm đào tạo PT với thời gian trong khoảng 2 tháng, mức học phí dao động từ 15 – 30 triệu đồng/khóa.
Thu nhập: Hiện nay, giá phải trả cho PT thể hình được tính theo buổi hoặc theo khóa học có thời hạn. Giá thành nằm trong khoảng từ 450.000 - 800.000 đồng/buổi và mỗi buổi kéo dài khoảng 60 phút. Theo đó mức thu nhập của PT thể hình được đánh giá là khá cao so với các ngành nghề khác.
Yêu cầu: Một trong những yêu cầu của nghề PT thể hình đó là ngoại hình ưa nhìn. Theo đó, PT nam thường có chiều cao trên 1,7 m, PT nữ thường cao trên 1,6 m. Ngoài ra, PT cần ưa thích thể thao, vận động, am hiểu về kiến thức thể hình, thường xuyên học hỏi kiến thức mới về dinh dưỡng, sức khỏe…