Vậy hãy cùng tìm hiểu xem những thông tin du lịch hữu ích về núi Cấm An Giang trong bài viết này nhé!
-
Núi Cấm nằm ở đâu?
Núi Cấm lừng danh của đất An Giang. (Ảnh: Internet)
Là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn trứ danh (gồm có Núi Cấm, Núi Két, Núi Dài, Núi Dài Năm Giếng, Núi Tượng, Núi Cô Tô và Núi Nước), Núi Cấm - hay còn được gọi là Núi Ông Cấm hoặc Thiên Cấm Sơn - tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với độ cao 710m so với mực nước biển, Núi Cấm làm say mê du khách với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là các công trình kiến trúc đặc sắc và những món ăn bản địa đặc trưng không đâu sánh bằng.
Hướng dẫn đường đi lên Núi Cấm
Để tham quan Núi Cấm, bạn có nhiều phương tiện để lựa chọn vì đường đi cũng khá thuận tiện.
Đi từ TPHCM, Bến xe miền Tây hiện nay luôn có nhiều chuyến xe liền nhau đi về An Giang, bạn có thể dễ dàng lựa chọn khung giờ thích hợp. Tùy theo các địa điểm muốn tham quan cùng khi du lịch Núi Cấm mà chọn chuyến xe đi về Châu Đốc hay Long Xuyên.
-
Từ Châu Đốc: (quãng đường khoảng 30km) bạn chạy thẳng theo quốc lộ 91 sau đó rẽ trái theo đường tỉnh lộ 948, chạy một đoạn sẽ nhìn thấy Bảng hướng dẫn đường vào Núi Cấm.
-
Từ Long Xuyên: (quãng đường hơn 60km) bạn vẫn chạy thẳng theo tuyến đường quốc lộ 91 rồi tiếp tục rẽ trái vào tỉnh lộ 94, sau đó rẽ phải vào tỉnh lộ 948, chạy một đoạn bạn cũng sẽ nhìn thấy Bảng hướng dẫn để đến Núi Cấm.
Đối với các bạn ở phía Bắc thì sẽ đi vào TPHCM bằng tàu hoặc máy bay, rồi tiếp tục lịch trình như trên nhé!
-
Đi Núi Cấm chơi gì, tham quan nơi nào?
Đã đến Núi Cấm An Giang thì không phải lo về các điểm vui chơi vì xung quanh đều là các tuyệt tác làm say mê lòng người. Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nét đẹp cổ kính của mình, Núi Cấm sẽ làm thỏa lòng những vị khách phương xa khi tìm đến đây.
-
Những địa điểm tham quan đẹp trong chuyến đi đến Núi Cấm
Trên đường đi đến Núi Cấm, bạn thỏa sức khám phá An Giang vì vùng đất này nổi tiếng với nhiều di tích, nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch quanh năm.
Miếu Bà Chúa Xứ
Nằm dưới chân núi Sam và nổi tiếng linh thiêng, mỗi năm có hàng ngàn khách từ thập phương về đây cúng bái Miếu Bà Chúa Xứ. Ngoài ra, nằm trong khu vực này còn có Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền, chùa Tây An. Đây là một trong những điểm không nên bỏ qua trong chuyến đi đến Núi Cấm.
Miếu Bà Chúa xứ. (Ảnh: Internet)
Rừng tràm Trà Sư
Nằm trên địa bàn của huyện Tịnh Biên, cách biên giới Việt Nam - Campuchia chỉ 10km, rừng tràm Trà Sư mang đến một trải nghiệm đầy thú vị với hình thức tham quan trên xuồng. Hiện rừng tràm có hơn 140 loài thực vật và nhiều động vật quý hiếm. Nếu đi vào bình minh hay hoàng hôn thì sẽ rất tuyệt vì lúc này chim chóc thi nhau hót vang tạo nên những âm điệu sống động giúp bạn xua tan đi mọi buồn phiền của cuộc sống thường nhật.
Rừng tràm Trà Sư. (Ảnh: Internet)
Chợ nổi Long Xuyên
Cũng giống như những khu chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Long Xuyên nằm bên bờ Nam của sông Hậu, thường mở chợ vào lúc 5 giờ đến 8 giờ sáng với hơn 100 tàu thuyền ra vào trao đổi hàng hóa. Đến đây, bạn sẽ chiêm nghiệm rõ hơn về cuộc sống neo đậu của những người dân nơi đây, toát lên một vẻ đơn sơ, chân phương và mộc mạc đến vô cùng.
Chợ nổi Long Xuyên. (Ảnh: Internet)
Hồ Tà Pạ
Ai đi đến Núi Cấm cũng sẽ phải nán bước lại Hồ Tà Pạ vì sức lôi cuốn không thể cưỡng được của cảnh sắc nơi đây. Bạn như đang lạc vào một bức tranh thủy mặc miền quê với nước hồ xanh màu trong ngọc bích, in rõ hình cỏ cây, hòa vào sự hùng vĩ của những vách núi đá xung quanh. Đây là một trong những điểm check-in đang hot đối với giới trẻ, được ví von như “tuyệt tình cốc” của miền Tây.
Hồ Tà Pạ. (Ảnh: Internet)
Hồ Nguyễn Du
Nếu bạn chọn đi từ thành phố Long Xuyên để đến Núi Cấm thì hồ mang tên đại thi hào Nguyễn Du sẽ là một điểm lý tưởng để khám phá. Được thiết kế thành công viên xung quanh hồ, hồ Nguyễn Du hiện là một trong những công viên lớn và đẹp nhất ở miền Tây.
Hồ Nguyễn Du. (Ảnh: Internet)
Khu tưởng niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
Với những bạn yêu thích lịch sử thì đây chắc hẳn là điểm đáng để dừng chân. Khu tưởng niệm Bác Tôn nằm trên Cù lao Ông Hổ và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Đến đây, bạn có dịp hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Internet)
Nếu không có nhiều thời gian cho chuyến đi, bạn có thể lựa chọn một vài điểm thích hợp để khám phá, và dĩ nhiên hành trình chính là dành cho Núi Cấm đúng không nào!
-
Những địa điểm vui chơi trong Núi Cấm
Đến chân Núi Cấm, bạn có 2 phương tiện lựa chọn để di chuyển: xe ôm và cáp treo. Giá vé cáp treo khứ hồi là 155.000 đồng/người lớn và 80.000 đồng/trẻ em (dưới 1,3m). Một điều bạn nên lưu ý là cáp treo chỉ hoạt động đến 17h.
Chùa Vạn Linh là một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất khi nhắc đến Núi Cấm với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa linh thiêng và mang nét kiến trúc Á - Âu rất riêng. Tráng lệ nhất có lẽ là Tượng Đức Phật Thích Ca được tạc nguyên khối và nặng đến 2 tấn được bày trí một cách tôn nghiêm ở chánh điện.
Chùa Vạn Linh. (Ảnh: Internet)
Chùa Phật Lớn thì luôn là điểm ghé lại của du khách vì hầu hết ai cũng sẽ bị mê hoặc bởi sự uy nghiêm và đồ sộ của Tượng Phật Di Lặc nơi đây. Với tổng trọng lượng là 1.700 tấn và chiều cao 33,6m, Tượng Phật Di Lặc đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á vào năm 2013.
Tượng Phật Di Lặc nổi bật giữa Núi Cấm. (Ảnh: Internet)
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm nằm dưới chân núi phục vụ tất tần tật các món ăn đặc sản của vùng Tây Nam Bộ. Ngoài ra, còn có các trò chơi giải trí, đờn ca tài tử, sân chơi cho trẻ em… Đây là nơi thích hợp cho các gia đình khi tham quan Núi Cấm.
Suối Thanh Long là con suối nước khoáng nằm ở lưng chừng núi một cách thơ mộng. Khách lữ hành hay có sở thích ngồi lại bên vách suối, thẫn thờ một lúc cùng vài âm điệu líu lo nơi rừng xanh, có khi còn bắt được khoảnh khắc các cô thôn nữ xuống suối lấy nước cơ đấy!
Suối Thanh Long. (Ảnh: Internet)
Hồ Thủy Liêm luôn mang một nét thu hút riêng với làn nước trong xanh và êm ả. Đây là nơi thả cá phóng sinh của nhiều khách du lịch khi đến Núi Cấm.
Hồ Thủy Liêm. (Ảnh: Internet)
Vồ Bồ Hong là nơi cao nhất của Núi Cấm, được mệnh danh là nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do trước đây có rất nhiều loài côn trùng tên bồ hong sinh sống nơi đây. Đứng tại Vồ Bồ Hong, bạn sẽ như đang lạc vào tiên cảnh vì bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đến ngỡ ngàng trước mắt.
Ngoài ra, dọc lối mòn từ chân núi đến đỉnh Núi Cấm còn rất nhiều nơi đáng để bạn dừng chân như: điện Cây Quế, điện Tam Thanh, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, đập Núi Cấm,...
-
Ăn gì khi đi Núi Cấm?
Ai đến Núi Cấm mà bỏ qua món trứ danh Bánh xèo ăn với rau rừng thì sẽ vô cùng đáng tiếc. Điểm đặc biệt là bánh xèo sẽ được ăn với các loại rau rừng như ngành ngạnh, cát lồi, kim thất,... hòa quyện cùng nước chấm làm từ trái trúc của người bản địa tạo nên một hương vị đặc trưng không nơi đâu có được.
Đặc sản bậc nhất vùng Núi Cấm. (Ảnh: Internet)
Đi Núi Cấm, bạn cũng đừng quên thử ngay những món ruột sau: ốc núi, gỏi sầu đâu, bọ cạp Bảy Núi,... mang đậm tinh túy của vùng đất Thất Sơn.
-
Đi Núi Cấm vào khoảng thời gian nào?
Với khí hậu mát mẻ gần như quanh năm, du khách có thể tham quan Núi Cấm vào bất kỳ thời gian nào. Tuy nhiên, theo lời dân bản địa lâu năm thì nơi đây đẹp tuyệt trần nhất là vào mùa xuân, khi mà cây trái đâm chồi nảy lộc, tiết trời dễ chịu, đêm tối mây là đà se lạnh. Lúc này Núi Cấm mới thực sự là một “Đà Lạt” 2 của miền Tây sông nước.
Hãy một lần đến với Núi Cấm An Giang để tự mình cảm nhận được hết vẻ đẹp vừa hoang sơ, hùng vĩ lại không kém phần tráng lệ và uy nghi nơi đây!