Từ trước tới nay, những bí ẩn của vũ trụ luôn là đề tài được nhiều người dành sự quan tâm. Chúng ta sẽ không thể nào biết được điều gì sẽ diễn ra trong vũ trụ rộng lớn này. Trong vô vàn những điều kỳ bí mà con người chưa khám phá hết thì có lẽ nguyệt thực thuộc danh sách số ít về hiện tượng của vũ trụ mà con người đã lý giải thành công.
1. Hiện tượng nguyệt thực là gì?
Nguyệt thực có tên gọi tiếng Anh là lunar eclipse - đây là một trong những hiện tượng thiên văn mà con người có thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường. Hiện tượng này diễn ra khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất và đối diện với Mặt Trời. Hay nói cách khác, nguyệt thực xảy ra khi các thiên thể sắp xếp theo trật tự cố định như sau: Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng hoặc có thể có sự chênh lệch tương đối với nhau.
2. Có mấy loại nguyệt thực?
Tương ứng với những vị trí chênh lệch khác nhau thì chúng ta sẽ nhìn thấy được các hình thái khác nhau của nguyệt thực. Và dựa trên các hình thái đó, nguyệt thực được chia ra 3 loại.
2.1 Nguyệt thực một phần
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm gần thẳng với nhau trên mặt phẳng quỹ đạo. Chúng ta có thể nhìn thấy một phần của Mặt Trăng bị khuyết dần do sự che khuất bởi bóng màu đen (hoặc đỏ sẫm) của Trái Đất. Ngoài ra, hiện tượng nguyệt thực một phần sẽ diễn ra trước khi xuất hiện nguyệt thực toàn phần.
2.2 Nguyệt thực toàn phần
Khi mặt trăng bắt đầu đi vào vùng tối của Trái Đất thì cũng là lúc các tia Mặt trời có bước sóng cam và đỏ chiếu xuống mặt trăng. Trong khi đó, bầu khí quyển của Trái Đất đảm nhận chức năng cản những tia sáng bước sóng ngắn. Khi đó, mặt trăng đã phản xạ lại với những ánh sáng màu đỏ, cam từ Mặt trời. Do đó, từ vị trí Trái đất, chúng ta quan sát thấy Mặt trăng có màu đỏ máu, đây chính là hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
2.3 Nguyệt thực nửa tối
Nguyệt thực nửa tối là một dạng khác của hiện tượng nguyệt thực. Trong quá trình chuyển động xung quanh Trái Đất, Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất. Tại thời điểm đó, chúng ta nhận thấy ánh trăng mờ dần và tối đi. Đặc biệt, hiện tượng nguyệt thực nửa tối khó quan sát bằng mắt thường.
Xem thêm: Sao Hỏa cũng từng có hồ muối tương tự như ở Trái Đất
3. Nguyệt thực xảy ra khi nào?
Hiện tượng nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn (ngày rằm). Theo số liệu từ Nasa, hiện tượng nguyệt thực xảy ra tối thiểu 2 lần trong một năm, cũng có những năm xảy ra tới 4 hay 5 lần nhưng rất hiếm.
4. Nguyệt thực và nhật thực khác nhau như thế nào?
Nhắc đến nguyệt thực, chúng ta thường liên tưởng ngay đến nhật thực - hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không kém và đôi khi dễ bị nhầm lẫn với nguyệt thực.
Dưới đây là một vài đặc điểm khác nhau mà các nhà khoa học đã nghiên cứu và được công nhận.
4.1 Thời gian diễn ra
- Nguyệt thực: ban đêm và xảy trong khoảng 1 giờ.
- Nhật thực: ban ngày và chỉ xảy ra trong khoảng thời gian từ 5 - 7 phút.
4.2 Vị trí giữa các thiên thể
- Nguyệt thực: Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng.
- Nhật thực: Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất.
4.3 Địa điểm quan sát
- Nguyệt thực: có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào trong phần nửa tối của Trái Đất, có thể thấy được bằng mắt thường.
- Nhật thực: ở một vài nơi thuộc phần bóng tối hoặc bóng nửa tối của Trái Đất, cần đeo kính để bảo vệ mắt khi quan sát hiện tượng.
5. Ảnh hưởng của nguyệt thực
Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng nguyệt thực xảy ra có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Vào thời điểm trăng tròn, Trái Đất sẽ chịu sự ảnh hưởng bởi sự cộng hưởng của hai loại lực là lực hấp dẫn của Mặt Trăng và lực hấp dẫn của Mặt Trời. Thêm vào đó, khi hiện tượng nguyệt thực xảy ra sẽ khiến cho tổng lực tác dụng trở nên cực đại. Lúc này, các đợt thủy triều có xu hướng mạnh và cao hơn bình thường.
Nguyệt thực không chỉ tác động lên hiện tượng thủy triều mà còn ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể con người. Cụ thể, nguyệt thực khiến cho melatonin - hormone liên quan tới chu kỳ ngủ và thức của con người - bị suy giảm. Thế nên, chúng ta thường dễ bị thức giấc vào ban đêm hay khó ngủ vào những ngày trăng tròn.
Xem thêm: Triều cường là gì và ảnh hưởng như thế nào đến đời sống?
6. Những điều thú vị xoay quanh hiện tượng nguyệt thực
Từ xa xưa, một số nền văn hóa trên thế giới đã lưu truyền những câu chuyện truyền thuyết về hiện tượng nguyệt thực. Con người đã giải thích các hiện tượng mà họ không thể lý giải khi chưa có sự xuất hiện của khoa học bằng các câu chuyện được xây dựng với các yếu tố kì ảo.
Theo người Inca, một nền văn minh cổ xưa của Nam Mỹ, sở dĩ có hiện tượng nguyệt thực là do Mặt Trăng bị tấn công và ăn bởi một con báo đốm. Dòng máu của Mặt Trăng chảy ra nên Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ.
Điều này đã khiến người Inca khi xưa có cảm giác lo sợ mỗi lần xuất hiện nguyệt thực, vì họ nghĩ rằng con báo ấy sẽ lao xuống Trái Đất và ăn thịt loài người. Đó là lý do người Inca thường tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung, vung giáo, hò hét, gây tiếng động lớn,… để xua đuổi con báo.
Trung Quốc cũng có một truyền thuyết đầy ly kỳ để giải thích cho hiện tượng nguyệt thực. Đó là do rồng thần nuốt chửng Mặt Trăng nên mới khiến cho Mặt Trăng bị chìm dần trong bóng tối. Để con rồng trả lại Mặt Trăng, họ đã gây tiếng động lớn bằng nhiều cách khác nhau.
Chúng ta có thể nhận thấy một đặc điểm chung là khi xưa, con người đều cho rằng sự xuất hiện của hiện tượng nguyệt thực sẽ đe dọa đến sự tồn tại của loài người. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi khi ấy chúng ta chưa giải thích được các hiện tượng thiên nhiên bất thường, chưa có tiếng nói của khoa học.
Xem thêm: Tại sao tuyết có màu trắng?
Nói tóm lại, nguyệt thực là một hiện tượng thiên văn mang trong mình vẻ đẹp kì bí của vũ trụ. Cùng với đó, cuộc sống của con người cũng bị ảnh hưởng một phần nhỏ do tính chất đặc biệt trong quá trình chuyển động của Mặt Trăng xoay quanh Trái Đất.
Có thể khẳng định rằng, khoa học đã đưa con người tiến gần hơn với các hiện tượng vũ trụ nói chung và hiện tượng nguyệt thực nói riêng. Qua đó, giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn về nguyệt thực bên cạnh những câu chuyện thú vị được lưu truyền cho tới ngày nay.
Nguồn ảnh: Internet