Hệ thống hang động Abanda, thuộc tỉnh Ogooue-Maritime, Gabon, là nơi sinh sống của một nhóm cá sấu lùn (Osteolaemus tetraspis) đặc biệt. Khác với những cá thể cá sấu lùn sống trong rừng, nhóm cá sấu này có làn da màu cam kỳ lạ, thích nghi với môi trường hoàn toàn tối tăm trong hang.
Chúng chủ yếu ăn dơi và bơi lội trong vùng nước chứa đầy phân dơi, một môi trường giàu ure. Sự khác biệt này không chỉ nằm ở lối sống mà còn được phản ánh rõ trong đặc điểm ngoại hình và di truyền của chúng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những con cá sấu này đã chọn lối sống dưới lòng đất từ hàng ngàn năm trước. Nghiên cứu năm 2016 cho thấy chúng có chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe khác biệt rõ rệt so với các cá thể cá sấu lùn sống trong rừng.
Cá sấu trong hang đẻ trứng gần cửa hang. Sau khi nở, cá sấu con sẽ mạo hiểm tiến sâu vào bóng tối và gần như không quay trở lại môi trường bên ngoài khi trưởng thành.
Làn da cam đặc trưng của nhóm cá sấu này, theo nhà sinh vật học Matthew Shirley từ Đại học Quốc tế Florida (Mỹ), là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài với nước chứa ure từ phân dơi. Ure này có tác dụng giống như hóa chất tẩy trắng, làm thay đổi màu sắc tự nhiên của da cá sấu.
Điều quan trọng nhất trong nghiên cứu về nhóm cá sấu này là phát hiện sự đột biến trong DNA của chúng. Các nhà khoa học phát hiện nhóm cá sấu trong hang mang một bộ biến thể DNA khác biệt so với những con cá sấu lùn sống trong rừng.
Nhà nghiên cứu Richard Oslisly từ Viện Nghiên cứu Phát triển (Pháp) nhận định: “Những con cá sấu hang động Abanda nổi bật như một nhóm di truyền biệt lập.”
Sự cô lập kéo dài hàng thế kỷ trong môi trường hang động đã tạo điều kiện cho nhóm cá sấu này dần thích nghi và tiến hóa. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng có khả năng trở thành một loài mới, tách biệt với cá sấu lùn Osteolaemus tetraspis hiện nay.