Phát hiện này không chỉ gây kinh ngạc mà còn mở ra những góc nhìn mới về sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh khí khổng lồ.
WASP-69 b là một hành tinh khí khổng lồ, cách Trái Đất 160 năm ánh sáng và có kích thước gần bằng Sao Mộc. Được phát hiện cách đây khoảng một thập kỷ, hành tinh này nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi hiện tượng mất khối lượng bất thường. Kể từ năm 2014, WASP-69 b đã mất đi một phần khối lượng tương đương 7 lần khối lượng Trái Đất.
Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics, các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân: hành tinh này sở hữu một chiếc đuôi khí khổng lồ, được hình thành từ sự rò rỉ heli ra không gian.
Bằng phương pháp phân tích dữ liệu mới từ Đài quan sát WM Keck (Hawaii, Mỹ), các nhà khoa học lần đầu tiên xác nhận sự tồn tại của chiếc đuôi này.
Dakotah Tyler, nhà vật lý thiên văn từ Đại học California, Los Angeles và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chiếc đuôi của WASP-69 b không giống như đuôi sao chổi mà chúng ta thường tưởng tượng. Đây là một luồng heli vĩ đại, kéo dài hơn 44 lần đường kính Trái Đất".
WASP-69 b có quỹ đạo rất gần với sao mẹ WASP-69, hoàn thành một vòng quay chỉ trong 3,9 ngày. Gió sao - luồng hạt tích điện mạnh mẽ phát ra từ sao mẹ - đã tác động đến hành tinh này, thổi bay khí heli và tạo nên chiếc đuôi dài ngoạn mục.
Nhóm nghiên cứu mô tả WASP-69 b như một "con rắn vĩ đại" quấn quanh sao mẹ, với chiếc đuôi khổng lồ kéo dài trong không gian. Hiện tượng này không chỉ cho thấy tác động mạnh mẽ của gió sao lên các hành tinh gần sao mẹ mà còn giúp giới khoa học tìm hiểu sâu hơn về cách các hành tinh khí khổng lồ hình thành và biến đổi theo thời gian.
Theo NASA - một trong các đơn vị tham gia nghiên cứu, chiếc đuôi này còn có thể được sử dụng như một "ống gió" khổng lồ, giúp đo đạc và phân tích gió sao của các ngôi sao xa xôi.