Phát hiện quái vật biển 245 triệu năm trong mỏ đá ở Trung Quốc

VOH - Một bộ xương hóa thạch gần như nguyên vẹn của loài quái vật biển hoàn toàn mới đã được phát hiện tại một mỏ đá bỏ hoang ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Phát hiện này không chỉ gây chấn động giới khoa học mà còn cung cấp thêm manh mối quý giá về lịch sử tiến hóa của các loài bò sát biển thời cổ đại.

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Jun Liu thuộc Đại học Công nghệ Hợp Phì, Trung Quốc, dẫn đầu đã tìm thấy bộ xương hóa thạch tại huyện Lô Khê, tỉnh Vân Nam. Phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học Swiss Journal of Palaeontology.

Loài sinh vật này được đặt tên là Dianmeisaurus mutaensis, thuộc nhánh bò sát biển đã tuyệt chủng mang tên Pachypleurosaur, thuộc bộ Sauropterygia. Đây là nhóm bò sát biển phát triển mạnh trong đại Trung Sinh, bao gồm những loài biểu tượng như Plesiosauria từ kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng.

xuong quai vat_voh
Bộ xương loài quái vật biển mới hiện ra trên đá ở Trung Quốc - Ảnh: Swiss Journal of Palaeontology

Những sinh vật thuộc nhóm này được cho là có tổ tiên sống trên đất liền và tiến hóa để thích nghi với môi trường biển ngay sau sự kiện đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Nhị Điệp, khoảng 251 triệu năm trước.

Bộ xương của Dianmeisaurus mutaensis được tìm thấy trong lớp đá vôi micritic màu xám đen, với phần lớn cơ thể còn giữ nguyên vị trí như lúc vừa chết. Chiều dài tổng thể của hóa thạch chỉ 99,2 mm, cho thấy đây là một loài quái vật biển khá nhỏ bé, đặc trưng của các loài bò sát thời kỳ kỷ Tam Điệp.

Tiến sĩ Jun Liu cho biết: “Sinh vật này có ngoại hình giống thằn lằn với đầu nhỏ, cổ dài, các chi giống mái chèo và đuôi dài – một thiết kế hoàn hảo cho cuộc sống dưới nước.”

Bên cạnh đó, kết quả phân tích mối quan hệ tiến hóa chỉ ra Dianmeisaurus mutaensis có liên quan mật thiết đến một số loài Pachypleurosaur khác đã được phát hiện trong khu vực. Điều này củng cố giả thuyết rằng nhóm Pachypleurosaur có nguồn gốc từ phía đông của đại dương cổ đại Tethys.

Tethys là một đại dương cổ hình thành khoảng 250 triệu năm trước, nằm giữa hai siêu lục địa Laurasia và Gondwana. Nó dần biến mất cách đây 200 triệu năm, khi các siêu lục địa tách rời để hình thành các châu lục ngày nay.

Hóa thạch Dianmeisaurus mutaensis cung cấp thêm manh mối về cuộc sống của các loài sinh vật biển vào thời kỳ đầu của kỷ Tam Điệp, khi Trái đất đang hồi phục sau sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp.

Trong thời kỳ này, các loài bò sát biển như Dianmeisaurus đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, trước khi các loài khủng long và bò sát biển khổng lồ như Plesiosaur và Mosasaur thống trị trong kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng.

Tiến sĩ Liu nhận định: “Phát hiện này là một mảnh ghép quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự tiến hóa và đa dạng sinh học của các loài sinh vật trong đại Trung Sinh.”

Bình luận