Dải Ngân Hà đang dần "nuốt chửng" thiên hà láng giềng của Trái đất

VOH - Một vệ tinh của thiên hà chứa Trái đất (Ngân Hà) đang thể hiện sự chống trả đầy bí ẩn khi bị chính dải Ngân Hà “hút” dần về phía trung tâm của nó.

Theo Science, thiên hà lùn mang tên Đám mây Magellan Lớn (LMC) đang thể hiện tác động mạnh mẽ và bí ẩn đến rìa của Ngân Hà (thiên hà chứa Trái đất).

LMC vốn là thiên hà vệ tinh của Ngân Hà, có kích thước khoảng 10-20% thiên hà chứa Trái đất, nhưng nó là một phần không thể thiếu được của bầu trời đêm trên Trái đất và dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường ở Nam Bán cầu.

Thế nhưng, hiện nó đang ngày một tiến gần đến Ngân Hà, bước đầu cho một quá trình sáp nhập được dự đoán sẽ diễn tiến trong vòng 2 tỷ năm tới.

Dải Ngân Hà đang dần nuốt chửng “người láng giềng” của Trái đất 1

Cận cảnh thế giới rực rỡ của LMC - Ảnh: NASA/ESA/Hubble

Theo tiến sĩ Eugene Vasiliev của Đại học Cambridge (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, từ lâu người ta cho rằng LMC là một “hàng xóm” yên tĩnh, chịu trận khi Ngân Hà bắt đầu có những tác động làm biến dạng các nhánh xoắn ốc của nó.

Nghiên cứu mới đã phát hiện Ngân Hà cũng bị thay đổi bởi sự tương tác này. Các nhà thiên văn quan sát thấy các ngôi sao và các luồng sao gần LMC nhất đã bị lệch quỹ đạo, một số cấu trúc khác cũng bị thay đổi. Những phần ở càng gần LMC những bất thường thể hiện càng rõ. Đó là một sự biến dạng tinh tế nhưng có thể nhận thấy được.

Tuy nhiên, do chúng ta không thể chụp nhanh toàn bộ thiên hà để kiểm tra tổng thể theo cách chụp của các thiên hà xa xôi nên các bằng chứng về những thay đổi vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngân Hà cũng chặn tầm nhìn của chúng ta về chính nó, nên nghiên cứu phải dựa một phần vào mô hình để lấp đầy khoảng trống.

Các nghiên cứu cho rằng, trong tương lai Ngân Hà sẽ sáp nhập với LMC, giống như cách mà nó đã từng làm với SMC (Đám mây Magellan nhỏ). Sau đó vài tỷ năm nó sẽ tiếp tục đụng độ với một đối thủ lớn hơn là Andromeda (thiên hà Tiên Nữ).