Dấu chân hóa thạch tại Kenya hé lộ 2 loài người cổ đại từng sống cạnh nhau 1,5 triệu năm trước

VOH - Các nhà nghiên cứu nhận định, những dấu chân hóa thạch trên nền đất bùn dọc theo bờ hồ tại Kenya thuộc 2 loài người thời tiền sử từng sống cạnh nhau vào 1,5 triệu năm trước.

Theo các nhà khoa học, những dấu chân hóa thạch được tìm thấy trong các trầm tích tại lưu vực Turkana, phía bắc Kenya, có khả năng thuộc về hai loài khác nhau trong phả hệ loài người. Những dấu chân này có thể xuất hiện cách nhau chỉ vài giờ hoặc vài ngày.

Dù trước đây các hóa thạch xương người từng gợi ý rằng các loài này có thể đã cùng tồn tại, nhưng các phương pháp xác định tuổi và phạm vi địa chất nơi tìm thấy hóa thạch thường không đủ chính xác để xác định mối tương tác trực tiếp.

dau chan hoa thach (1)

Dấu chân hóa thạch được phát hiện trong các trầm tích ở lưu vực Turkana, miền bắc Kenya. - Ảnh: The Guardian.

Tiến sĩ Kevin Hatala, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Chatham, Mỹ, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có cái nhìn trực tiếp về sự hiện diện của hai loài trong cùng một khu vực ngay tại thời điểm đó".

Trong nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Science, ông Hatala và các đồng nghiệp đã mô tả các dấu chân hóa thạch được phát hiện tại khu vực trầm tích ở lưu vực Turkana. Những dấu vết này bao gồm dấu chân của chim, các loài động vật khác, và một chuỗi dấu chân liên tục được cho là thuộc về một cá thể hominin.

Theo các nhà nghiên cứu, chiều dài bước chân cho thấy cá thể này đang di chuyển với tốc độ khá nhanh. Tuy nhiên, các dấu chân lại có sự khác biệt đáng kể so với con người hiện đại, cả về cấu trúc bàn chân lẫn cách chân tiếp xúc với mặt đất khi đi.

Những dấu ấn này được cho là phù hợp với loài Paranthropus boisei, một loài thuộc nhánh phụ trong phả hệ loài người, nổi bật với răng lớn và để lại dấu chân có đặc điểm đặc trưng ở ngón chân cái, phù hợp với mô hình được tái tạo từ hóa thạch.

Tuy nhiên, đây không phải là họ hàng duy nhất của loài người xuất hiện tại khu vực này. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ba dấu chân riêng biệt gần đó, có hướng di chuyển khác nhau so với chuỗi dấu chân của Paranthropus boisei.

Những dấu chân này có đặc điểm tương đồng với con người hiện đại, dẫn đến giả thuyết rằng, chúng được tạo ra bởi loài Homo erectus, một tổ tiên của loài người từng sống trong khu vực vào thời điểm đó.

Ông Hatala nhận định rằng, hai loài này chắc chắn nhận thức được sự hiện diện sự khác biệt của nhau trên cùng một vùng đất, nhưng cách hai loài tương tác vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Nhóm nghiên cứu cho biết, khi xem xét lại các dấu chân hóa thạch của hominin được tìm thấy trước đây ở Đông Turkana trong cùng khoảng thời gian, họ nhận thấy có một số dấu hiệu cho thấy các dấu chân này cũng có thể được tạo ra bởi hai loài hominin khác nhau.

Bình luận