Kích thước đồng tử mắt trong giấc ngủ có thể tiết lộ ký ức đang tái hiện của bạn

VOH - Một nghiên cứu mới cho thấy, kích thước đồng tử thu nhỏ trong giấc ngủ có thể phản ánh việc não đang tái hiện ký ức mới, trong khi đồng tử giãn cho thấy ký ức cũ đang được "sống lại".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 01/01.

Theo nghiên cứu, kích thước đồng tử đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu cách não bộ hình thành những ký ức mạnh mẽ và lâu dài.

Các nhà khoa học tại Đại học Cornell, Mỹ, đã gắn điện cực vào não chuột và theo dõi đồng tử của chúng bằng camera.

Họ phát hiện rằng, các ký ức mới được tái hiện và củng cố khi đồng tử thu nhỏ trong một giai đoạn phụ của giấc ngủ, còn khi đồng tử giãn, não dường như tái hiện các ký ức cũ.

dong tu mat (1)

Đồng tử giúp tối ưu hóa lượng ánh sáng chiếu vào võng mạc. - Ảnh: Independent.

Khả năng phân tách hai giai đoạn giấc ngủ này của não đóng vai quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng “quên lãng nghiêm trọng”, tức là việc củng cố một ký ức mới làm mất đi ký ức khác.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã dạy chuột thực hiện nhiều nhiệm vụ, như cách thu thập nước hoặc tìm bánh quy trong mê cung. Họ gắn điện cực vào não chuột và lắp camera nhỏ trước mắt chúng để theo dõi sự thay đổi của đồng tử.

Mỗi khi chuột học một nhiệm vụ mới và sau khi chúng chìm vào giấc ngủ, các điện cực sẽ ghi lại hoạt động não bộ trong khi camera ghi nhận sự thay đổi kích thước của đồng tử.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, việc củng cố ký ức diễn ra trong giấc ngủ không REM (Non-REM), giai đoạn không có chuyển động mắt nhanh, cũng là thời điểm con người mơ.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Azahara Oliva cho biết, những khoảng thời gian này rất ngắn, chỉ khoảng 100 mili giây và con người không thể phát hiện được.

Nghiên cứu giúp làm rõ cách não tái hiện ký ức trong giấc ngủ và tách biệt kiến thức mới để không ảnh hưởng đến thông tin cũ đã được lưu trữ.

Phát hiện mới nhất cho thấy, cấu trúc giấc ngủ ở chuột phong phú và tương đồng với các giai đoạn giấc ngủ của con người hơn so với những gì từng được biết.

Các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về quá trình này bằng cách làm gián đoạn giấc ngủ của chuột tại các thời điểm khác nhau, sau đó kiểm tra khả năng ghi nhớ các nhiệm vụ mà chúng đã học.

Theo nghiên cứu, khi chuột bước vào một giai đoạn phụ của giấc ngủ không REM, đồng tử của chúng thu nhỏ lại và não bắt đầu tái hiện những nhiệm vụ vừa mới học, tức là các ký ức mới. Ngược lại, các ký ức cũ được tái hiện và tích hợp khi đồng tử giãn nở.

Bà Oliva cho biết, quá trình này giống như việc luân phiên giữa kiến thức mới, kiến thức cũ, kiến thức mới, kiến thức cũ, diễn ra một cách chậm rãi trong suốt giấc ngủ.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một cơ chế trong não, hoạt động trong khoảng thời gian rất ngắn, giúp tách biệt kiến thức mới khỏi những kiến thức đã có.

Các nhà khoa học kỳ vọng rằng, nghiên cứu này sẽ dẫn đến các kỹ thuật cải thiện trí nhớ hiệu quả hơn cho con người và hỗ trợ việc đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Bình luận