Các nhà khoa học từ Đại học Oxford, Viện Francis Crick và Đại học College London (UCL) vừa phát triển thành công vắc-xin LungVax với công nghệ "huấn luyện gen" - tương tự như cách tạo ra vac-xin ngừa Covid-19.
Vắc-xin LungVax sử dụng các protein vô hại từ bề mặt tế bào ung thư được gọi là kháng nguyên đột biến (neoantigens). Đây là một loại protein mới hình thành trên tế bào ung thư khi có đột biến xảy ra trong ADN khối u.
Khi được đưa vào cơ thể, neoantigens sẽ tác dụng như một "dấu hiệu báo động", giúp hệ thống miễn dịch nhận biết, tiêu diệt các tế bào phổi bất thường, ngăn chặn ung thư phổi.
Theo giáo sư Tim Elliott - trưởng nhóm nghiên cứu của dự án LungVax - cho biết: Ung thư là căn bệnh mà hệ thống miễn dịch khó có thể phân biệt được đâu là tế bào bình thường và đâu là ung thư. Thách thức lớn nhất trong nghiên cứu ung thư là làm cho hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công ung thư.
Theo bà Michelle Mitchell, giám đốc điều hành của Cancer Research UK (Vương quốc Anh), LungVax là một bước tiến thực sự quan trọng, hướng tới một tương lai có thể phòng ngừa được bệnh ung thư nhiều hơn. Nếu thành công, loại vắc xin mới này có thể cứu sống hàng triệu người mỗi năm.
Hiện chỉ có chưa đến 10% số người mắc ung thư phổi có thể sống sau 10 năm mắc bệnh. Nghiên cứu này bổ sung cho những nỗ lực hiện có thông qua kiểm tra phổi để phát hiện ung thư sớm hơn ở những người có nguy cơ cao nhất.
Giai đoạn đầu tiên trong vòng 2 năm, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và sản xuất 3.000 liều vắc-xin đầu tiên tại cơ sở sản xuất sinh học lâm sàng Đại học Oxford.
Sau đó là các thử nghiệm lớn hơn trên những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi, bao gồm người từ 55 - 74 tuổi đang hút thuốc hoặc từng hút thuốc - theo Cancer Research UK.
Các nhà nghiên cứu cho biết vắc-xin có thể hiệu quả đến 90% trên tất cả các dạng ung thư phổi.
Tuy nhiên, Giáo sư Mariam Jamal-Hanjani - người phụ trách thử nghiệm lâm sàng - cũng lưu ý, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi vẫn là ngừng hút thuốc.