Tháng 8 vừa qua, số lượng vết đen xuất hiện trên bề mặt Mặt Trời đạt tới 215,5, gấp đôi so với dự báo trước đó và là mức cao nhất trong vòng 23 năm, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA).
Lần gần nhất số vết đen Mặt Trời vượt quá 200 là vào tháng 9/2001, khi con số này đạt 238,2 vết đen. Vết đen Mặt Trời là những vùng tối có nhiệt độ thấp hơn so với các khu vực xung quanh, xuất hiện trên bề mặt ngôi sao của chúng ta. Mặc dù trông nhỏ bé từ Trái Đất, những vết đen này thực sự rất khổng lồ, có kích thước lớn hơn nhiều lần đường kính của hành tinh chúng ta.
Vết đen Mặt Trời hình thành từ các khu vực có từ trường hỗn loạn, gây ức chế quá trình đối lưu của năng lượng. Khi từ trường ở những vùng này bị "phá vỡ", Mặt Trời có thể giải phóng những đợt bức xạ mạnh, đôi khi là những quả cầu plasma lớn gọi là "vụ phóng khối lượng đăng quang" (CME). Những hiện tượng này có thể tạo ra bão địa từ khi chúng hướng thẳng về phía Trái Đất.
Khi bão địa từ xảy ra, các khu vực gần cực Trái Đất sẽ xuất hiện hiện tượng cực quang, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều hệ lụy. Sóng vô tuyến bị gián đoạn, hệ thống định vị bị nhiễu loạn, và thậm chí vệ tinh có thể rơi khỏi quỹ đạo. Trong lịch sử, một số cơn bão địa từ mạnh đã gây ảnh hưởng đến hệ thống điện trên Trái Đất, khiến một số khu vực mất điện diện rộng. Dù vậy, nhờ những tiến bộ trong công nghệ dự báo, nhiều thiệt hại hiện nay có thể được giảm thiểu.
Với hơn 200 vết đen xuất hiện cùng lúc trong tháng 8, các nhà khoa học cảnh báo nhân loại cần chuẩn bị cho nguy cơ các cơn bão địa từ liên tục xảy ra trong thời gian tới.
Các chuyên gia trước đây dự báo rằng cực đại của chu kỳ Mặt Trời 11 năm sẽ rơi vào năm 2025 và không quá bùng nổ. Tuy nhiên, với những biến động mạnh gần đây, SWPC đã điều chỉnh dự báo, cho rằng cực đại của chu kỳ có thể đã đến vào năm 2024. Thực tế, các hiện tượng bão địa từ mạnh trong thời gian qua đã khiến các nhà khoa học tính toán lại thời điểm đạt đỉnh.
Chu kỳ Mặt Trời hiện tại là chu kỳ thứ 25. Trong đỉnh cao của chu kỳ thứ 23, số lượng vết đen trung bình đạt tới 244,3 vào tháng 7-2000, trong khi kỷ lục cao nhất thuộc về chu kỳ thứ 22 với 284,5 vết đen vào tháng 6-1989.
Dù chưa thể xác định chính xác thời điểm cực đại của chu kỳ 25, các nhà khoa học nhận định rằng giai đoạn hoạt động mạnh của Mặt Trời có thể kéo dài thêm từ 1 đến 2 năm, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số lượng vết đen và bão địa từ trong thời gian tới.