Nghiên cứu được công bố hôm ngày 09/01 trên tạp chí Nature.
Nghiên cứu này đã lấp đầy khoảng trống dữ liệu về đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái nước ngọt và giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng của các hệ sinh thái này trên toàn cầu.
Các nhà khoa học đã đánh giá tình trạng của 23.496 loài động vật nước ngọt, bao gồm cá, giáp xác (như cua, tôm hùm đất, tôm) và côn trùng (như chuồn chuồn và chuồn chuồn kim). Kết quả cho thấy, 24% trong số này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.
Bà Catherine Sayer, Trưởng bộ phận Đa dạng sinh học Nước ngọt của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cho biết. “Những mối đe dọa phổ biến bao gồm ô nhiễm nguồn nước, đập thủy điện, hoạt động nông nghiệp, các loài xâm lấn và việc khai thác quá mức đã góp phần đẩy nhanh nguy cơ tuyệt chủng.
Một số loài nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng cao như tôm ong xanh nhỏ ở Sulawesi, chuồn chuồn Seychelles, chuồn chuồn kim ở Brazil, tôm càng xanh ở Arkansas, và các loài cá như cá mút mũi ngắn ở Oregon, California và cá mahseer lưng gù ở Ấn Độ.
Những loài này sống trong các vùng đất ngập nước nội địa như hồ, sông, đầm lầy, bãi lầy và vùng đất than bùn, những khu vực bị thu hẹp hơn một phần ba kể từ năm 1970.
Các nghiên cứu khác ghi nhận, loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư, hiện chia sẻ môi trường sống trong hệ sinh thái nước ngọt này, cũng đang đối mặt với các mối đe dọa riêng biệt.
Trong các nhóm động vật được nghiên cứu, nhóm giáp xác chịu mức đe dọa cao nhất (30%), tiếp theo là nhóm cá (26%) và nhóm chuồn chuồn, chuồn chuồn kim (16%).
Ông Ian Harrison, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, hệ sinh thái nước ngọt có vai trò quan trọng về mặt sinh thái nhờ sự đa dạng của các loài mà chúng hỗ trợ.
Ông cho biết thêm, các hệ sinh thái này cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng, gồm hấp thụ carbon (CO2) trong đầm lầy than bùn, cung cấp thực phẩm thủy sản, dược liệu, và các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, đồng thời đóng góp giá trị kinh tế lên tới 50 nghìn tỷ USD mỗi năm thông qua các quá trình tự nhiên hỗ trợ con người.
Các nhà nghiên cứu đã xác định 4 khu vực trên thế giới có số lượng loài nước ngọt bị đe dọa cao nhất, bao gồm hồ Victoria ở châu Phi, hồ Titicaca ở Nam Mỹ, cùng các khu vực ở miền tây Ấn Độ và Sri Lanka.
Ông Harrison nhấn mạnh rằng, cần phải khẩn trương bảo tồn hệ sinh thái nước ngọt để ngăn chặn sự suy giảm loài, thông qua quản lý tài nguyên nước tích hợp, kết hợp giữa duy trì chức năng hệ sinh thái và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người về nước.