Những điều cần biết để quan sát “trăng máu hải ly” tại Việt Nam tối 8/11

(VOH) – “Trăng máu hải ly” từng xuất hiện vào năm 2021 và sẽ xuất hiện 1 lần nữa trên bầu trời tối 8/11 (theo giờ Việt Nam). Người dân cả nước sẽ có cơ hội nhìn thấy hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Vào tối 8/11 sẽ diễn ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần hay còn được gọi là “trăng máu hải ly” tại Việt Nam. Đáng chú ý, đây là lần nguyệt thực cuối cùng trong năm 2022 mà người dân Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới có thể quan sát. Thời điểm cực đại, 82% Mặt trời có thể bị Mặt trăng che khuất.

Những điều cần biết để quan sát “trăng máu hải ly” tại Việt Nam tối 8/11 1

Các giai đoạn của nguyệt thực - Nguồn ảnh: NPR/NLĐO

Theo tờ Space, hiện tượng “trăng máu hải ly” sẽ diễn ra vào khoảng 5h sáng và kết thúc khoảng 9h sáng tính theo giờ ánh sáng ngày miền Đông Bắc Mỹ (EDT). Phạm vi quan sát bao gồm nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương, với vùng tâm điểm chếch về phía cực Bắc.

Tại Việt Nam, theo định vị của Time and Date, các tỉnh phía Bắc và một phần miền Trung sẽ quan sát trăng máu ở cấp độ thứ 3, với toàn bộ quá trình là nguyệt thực toàn phần. Trong khi đó khu vực Nam Trung Bộ - Nam Bộ sẽ quan sát ở cấp độ thứ tư, bao gồm một giai đoạn toàn phần và một giai đoạn nguyệt thực một phần.

Định vị tại TP.HCM, người dân có thể quan sát hiện tượng “trăng máu hải ly” ngay điểm cực đại của giai đoạn toàn phần vào lúc 17h59 ngày 8/11 (giờ Việt Nam), giai đoạn nguyệt thực một phần từ 18h41 đến 19h49 và giai đoạn nguyệt thực nửa tối (mặt trăng hơi đen lại vì bóng của Trái Đất) từ 19h49 đến 20h56.

Trong khi đó, ở Hà Nội người dân sẽ quan sát “trăng máu hải ly” toàn vẹn từ 17h16 tối 8/11, thời điểm cực đại vào lúc 17h59. Sau đó, mặt trăng sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối cùng thời điểm mà người quan sát từ TP.HCM trông thấy.

Quan sát “trăng máu hải ly” ở Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Ở Việt Nam, người dân có thể quan sát “trăng máu hải ly” trọn vẹn nhất ngay vào thời điểm hoàng hôn, nơi các yếu tố quang học trong bầu khí quyển tạo nên "ảo ảnh mặt trăng", khiến trăng to và huyền ảo hơn.

Khác với nhật thực, người xem có thể dễ dàng quan sát hiện tượng nguyệt thực bằng mắt thường, ngay cả đối với trẻ em và không cần đến biện pháp bảo vệ nào. Tuy nhiên, để có được trải nghiệm tốt nhất bạn nên trang bị kính thiên văn hoặc ống nhòm.

Ngoài ra, người xem nên chọn những địa điểm thoáng đãng, có tầm nhìn rộng và ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ảnh sáng để có thể quan sát tốt nhất.

Vì sao nguyệt thực toàn phần đêm 8/11 được gọi là “trăng máu hải ly”?

Trăng máu là cụm từ dùng để chỉ nguyệt thực toàn phần, bởi vào lúc này mặt trăng sẽ có màu đỏ gỉ sắt.  Tuy nhiên, hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này còn có thể được gọi là “trăng máu hải ly”.

Cụm từ “hải ly” được bắt nguồn từ cuốn Almanac của Maine Farmer, xuất bản những năm 1930. Trong cuốn sách này, các chu kỳ của mặt trăng thường được đặc theo những sự kiện xảy ra trong năm. Theo thời gian, những cái tên đó đã trở nên phổ biến khi nói về trăng tròn.

Kỳ trăng tròn của tháng 11 được gọi là trăng hải ly (Beaver Moon) vì đây là thời điểm loài hải ly xuất hiện nhiều nhất.

Trăng tròn của tháng 11 còn có tên gọi khác là “"Frost Moon", "Frosty Moon" hoặc "Snow Moon", bởi những những đợt sương giá đầu tiên trong năm thường xuất hiện vào khoảng thời gian này ở đông bắc nước Mỹ và Canada.