Ô nhiễm khói từ cháy rừng có thể gây tử vong thêm 12.000 người mỗi năm

VOH - Biến đổi khí hậu toàn cầu đặc biệt làm tăng nguy cơ tử vong do hít phải khói ở Australia, Nam Mỹ, châu Âu và một số khu vực của châu Á.

Theo nghiên cứu mới, biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến diện tích đất bị cháy do cháy rừng ngày càng tăng và có thể gây tử vong thêm 12.000 người mỗi năm do hít phải khói,

Một nghiên cứu khác cho biết, từ năm 2003 đến 2019, biến đổi khí hậu đã khiến diện tích đất bị cháy tăng gần 16%, nhưng các hoạt động khác của con người, bao gồm việc phá rừng và đồng cỏ để xây dựng đường sá hoặc phát triển nông nghiệp, đã làm giảm tổng diện tích bị cháy khoảng 19%.

Cả hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

chay rung (1)

Hàng trăm người đã tử vong do hít phải khói từ các vụ cháy rừng đen mùa hè năm 2019-20 ở Úc. - Ảnh: The Guardian

Nghiên cứu này được thực hiện bới các nhà nghiên cứu từ tám quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Đức và Trung Quốc, do Tiến sĩ Chae Yeon Park từ Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản làm trưởng nhóm nghiên cứu.

Nghiên cứu đã phân tích tác động của việc gia tăng phát thải khí nhà kính đến cháy rừng, so với các hoạt động khác của con người như phá rừng. Ước tính rằng, vào thập niên 2010, gần 100.000 người chết mỗi năm do hít phải khói từ các vụ cháy, chứa các hạt siêu nhỏ gọi là PM2.5, có khả năng thâm nhập vào phổi và máu.

Để hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến số ca tử vong do cháy rừng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng ba mô hình thảm thực vật và cháy rừng toàn cầu trong điều kiện khí hậu hiện tại, so sánh với một mô hình loại bỏ tác động của biến đổi khí hậu.

Dù kết quả có khác nhau, các tác giả đều phát hiện rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm tăng số ca tử vong do hít phải PM2.5 từ khói cháy rừng.

Ở một số khu vực, nhiệt độ tăng là yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, trong khi ở các khu vực khác, độ ẩm thấp là nguyên nhân.

Các tác giả cho biết, tác động sức khỏe từ cháy rừng có thể bị đánh giá thấp vì “độc tính của các hạt có nguồn gốc từ lửa” nghiêm trọng hơn so với từ các nguồn khác.

Giáo sư Hilary Bambrick từ Đại học Quốc gia Úc, cho biết, hàng triệu người ở Úc đã bị phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm nguy hiểm từ khói trong đợt cháy rừng "mùa hè đen" năm 2019 và 2020, dẫn đến hàng trăm ca tử vong và có thể sẽ gây ra những hậu quả sức khỏe lâu dài cho nhiều người.

Một nghiên cứu riêng biệt do các nhà khoa học từ Vương quốc Anh và Bỉ thực hiện, cho thấy, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là ở Úc, Siberia và các savanna ở châu Phi.

Bình luận