Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân của 9 triệu ca tử vong sớm

(VOH) - Theo một nghiên cứu của The Lancet, chất lượng không khí kém hoặc ô nhiễm chất hóa học là nguyên nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng, trong đó có ung thư.

Năm 2019, ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm của 9 triệu người. Sau báo cáo đầu tiên vào năm 2015, con số này vẫn không được cải thiện và tình hình cũng không khả quan hơn.

Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng không khí kém và các chất ô nhiễm hóa học, đặc biệt là chì. Theo một nghiên cứu của Ủy ban phụ trách Y tế và Ô nhiễm thuộc tạp chí The Lancet, có khoảng 1/6 trường hợp tử vong sớm trên toàn thế giới có liên quan đến ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân của 9 triệu ca tử vong sớm 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Nava Sangthong/AP/SIPA

Sự ô nhiễm và chất thải do con người thải vào không khí, nước và đất rất hiếm khi làm tử vong trực tiếp, nhưng lại là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim nghiêm trọng, ung thư và các vấn đề về hô hấp hoặc tiêu chảy cấp tính.

Richard Fuller, tác giả chính của nghiên cứu, kiêm giám đốc của ủy ban tóm tắt: "những tác động đến sức khỏe vẫn còn rất lớn, và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải chịu đựng gánh nặng này". Cụ thể các nước này chiếm tới 92% số lượng người tử vong và gánh chịu phần lớn thiệt hại về kinh tế.  

Theo The Lancet, sự chú ý và tài trợ cho vấn đề này chỉ tăng nhẹ kể từ năm 2015, bất chấp mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm và ảnh hưởng sức khỏe đang gia tăng.

Trong khi những trường hợp tử vong sớm do các loại ô nhiễm liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực đang giảm xuống, thì những trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí và ô nhiễm bởi các sản phẩm hóa học lại đang gia tăng.

Theo nghiên cứu, ảnh hưởng của ô nhiễm đối với sức khỏe còn lớn hơn nhiều so với chiến tranh, khủng bố, ma túy, rượu, các loại bệnh như sốt rét, HIV, lao, và số người chết do nguyên nhân trên chỉ ngang ngửa với thuốc lá.

Năm 2019, có đến 6,7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, 1,4 triệu ca do ô nhiễm nguồn nước và 900.000 ca do nhiễm độc chì.

Ngoài ra, tiếp xúc với chất độc hại cũng có thể gây ra sự chậm phát triển nhận thức của trẻ em. Trong khi tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm trong hộ gia đình (từ việc đốt nhiên liệu hoặc các vấn đề về nước hoặc vệ sinh) đã giảm, đặc biệt là ở châu Phi, thì các dạng ô nhiễm "hiện đại" lại nặng hơn 20 năm trước.

Năm 2000, số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí lên đến 2,9 triệu, và 4,5 triệu vào năm 2019.

Các hạt mịn và ozon trong không khí, tiếp xúc với chì, với các chất gây ung thư trong môi trường làm việc và ô nhiễm hóa chất trong môi trường là những vấn đề đang được quan tâm, đặc biệt là ở châu Á.