Đầu năm nay, các công nhân Palestine đã phát hiện khoảng 30 ngôi mộ thời La Mã ở Beit Lahia, địa điểm xây dựng một dự án do Ai Cập tài trợ, một phần trong nỗ lực tái thiết Gaza sau cuộc chiến giữa Hamas và Israel từ tháng 5/2021.
Fazl al-Atal, trưởng nhóm khai quật địa phương nói với AFP hôm thứ Hai rằng sau khi phát hiện ra điều này, một phần của công việc xây dựng đã bị gián đoạn và việc nghiên cứu vẫn tiếp tục diễn ra tại nơi đây để tạo điều kiện thuận lợi cho những phát hiện mới khác.
"Đến nay, 51 ngôi mộ La Mã có niên đại từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã được khai quật", tăng thêm khoảng 20 ngôi mộ so với đầu năm, Fazl al-Atal nói. "Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy tổng cộng từ 75 đến 80 ngôi mộ," ông Fazl al-Atal nhấn mạnh, đồng thời ông cũng hoan nghênh công việc khai quật này tại "nghĩa trang La Mã hoàn chỉnh đầu tiên được phát hiện ở Gaza".
"Chúng tôi đang trong giai đoạn thu thập tài liệu, nghiên cứu và bảo vệ địa điểm. Mục tiêu của chúng tôi là xác định được nguyên nhân cái chết của những người trong ngôi mộ", ông al-Atal nói thêm.
Nghĩa trang này nằm gần với thành phố La Mã Anthedon, trên con đường dẫn đến Ascalon, ngày nay là thành phố Ashkelon của Israel, nằm ở lối ra của vùng đất Palestine dưới sự phong tỏa của Israel.
Jamal Abu Reda, Giám đốc Cơ quan cổ vật của dải Gaza cho biết địa điểm này "có tầm quan trọng lớn và được coi là phần mở rộng của thành phố Anthedon cổ đại, vốn là cảng của Gaza trong thời kỳ Hy Lạp và La Mã".
Ở Israel và Lãnh thổ Palestine, khảo cổ học là một chủ đề mang tính nhạy cảm, vì nhiều khám phá đã được sử dụng để biện minh hoặc ủng hộ các yêu sách chính trị của mỗi dân tộc.
Ngoài việc phát hiện ra nghĩa trang từ thời La Mã, những bức tranh khảm có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7 và một bức tượng nhỏ bằng đá hơn 4.500 năm tuổi, khắc họa khuôn mặt của một nữ thần cổ đại cũng đã được phát hiện vào năm ngoái ở Gaza.