NASA đã thực hiện được một sứ mệnh hoàn toàn mới của mình khi phát hiện ra hàng chục địa điểm “siêu phát thải” khí methane từ không gian, một phát hiện mà các nhà khoa học hy vọng rằng sẽ giúp ích cho việc hạn chế phát thải khí nhà kính.
Những nơi “siêu phát thải” này thường là các địa điểm liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, xử lý chất thải hoặc thậm chí là nông nghiệp.
EMIT được phóng lên vũ trụ hồi tháng 7 và được lắp đặt trên Trạm không gian quốc tế (ISS) nhằm mục đích quan sát sự chuyển động của bụi khoáng ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu.
Thiết bị này cũng đã cho thấy thêm tính hữu dụng của mình trong một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là quan sát được hơn 50 địa điểm “siêu phát thải” ở Trung Á, Trung Đông và Tây Nam nước Mỹ, NASA cho biết hôm thứ Ba 25/10.
Khả năng này “không chỉ giúp các nhà khoa học xác định rõ hơn nơi rò rỉ khí methane đến từ đâu, mà còn tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng”, Bill Nelson, người đứng đầu NASA cho biết.
Ông Andrew Thorpe thuộc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA (JPL) cho biết, một số chùm khí được phát hiện “nằm trong số những chùm khí lớn nhất từng được thấy”. “Những gì chúng tôi tìm thấy trong một thời gian ngắn đã vượt quá những gì chúng tôi có thể tưởng tượng”.
Tại Turkmenistan, thiết bị này đã xác định được 12 luồng khí từ cơ sở khí đốt và dầu mỏ ở phía đông thành phố cảng Hazar. Khi bị thổi về phía Tây, một số chùm khí này kéo dài hơn 32km.
Tại bang New Mexico của Mỹ, một chùm khí khác dài khoảng 3,3km đã được phát hiện tại một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, một chùm khí dài ít nhất 4,8km cũng được nhìn thấy từ một khu liên hợp xử lý chất thải ở phía Nam Tehran tại Iran. Các bãi rác có thể là một nguồn chính của khí methane, là kết quả của sự phân hủy.
Các nhà khoa học ước tính rằng ba địa điểm trên lần lượt thải ra 50.400, 18.300 và 8.500kg khí methane mỗi giờ.
NASA cho biết EMIT là “loại máy quang phổ hình ảnh đầu tiên dùng để quan sát Trái đất”, mặc dù các phương pháp dò tìm rò rỉ khí methane qua vệ tinh đã được phát triển rất nhiều trong những năm gần đây.
Khí methane là nguyên nhân gây ra khoảng 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặc dù loại khí này tồn tại trong khí quyển với thời gian ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại khả năng làm nóng lên gấp 80 lần trong khoảng thời gian 20 năm. Do đó, việc giảm phát thải khí methane là rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris.
NASA cân nhắc cải tạo vệ tinh nhân tạo để dùng vào việc săn tìm người ngoài hành tinh