Chờ...

Vì sao xích đạo không bao giờ xuất hiện bão?

(VOH) – Bão có thể hình thành ở mọi nơi, duy chỉ có đường xích đạo là hiếm khi xuất hiện. Tại sao lại như vậy?

Những cơn bão trên Trái đất có xảy ra ở hầu hết mọi nơi. Tuy nhiên, đường xích đạo lại là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới về nguy cơ có bão, bởi hầu như chưa từng có một cơn bão nào xuất hiện tại đây.

Vì sao xích đạo không bao giờ xuất hiện bão? 1
Hình ảnh cho thấy đường đi và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhưng điều đặc biệt là chúng không xuất hiện ở xích đạo - Ảnh: newsweek

Theo các nhà khoa học, sở dĩ vùng xích đạo không có bão là do không có hiệu ứng Coriolis ở đây, nghĩa là các yếu tố thời tiết không có xu hướng “xoay tròn” thành bão.

Bão giống như một Turbine quay khổng lồ lấy năng lượng từ không khí ấm và ẩm. Thường có xu hướng hình thành ở các vùng biển nhiệt đới có nước ấm trên 26 độ C. Khi nước bị làm nóng, không khí trên mặt biển bốc lên cao rồi nguội đi, tạo thành mây và giông bão.

Trước khi hình thành bão thì một vùng thấp sẽ được hình thành trước và bắt đầu hút gió từ các vùng có áp suất cao hơn về tâm của nó. Khi gió di chuyển trên bề mặt Trái đất sẽ chịu tác động bởi lực Coriolis khiến đường đi của gió bị đổi hướng và tạo ra các vùng xoáy.

Ở Bắc bán cầu, Trái đất xoay khiến không khí bị kéo ngược chiều kim đồng hồ, dẫn đến bão cũng quay ngược chiều kim đồng hồ. Ở Nam bán cầu, điều ngược lại xảy ra nên bão quay theo chiều kim đồng hồ.

Vì sao xích đạo không bao giờ xuất hiện bão? 2

Các cơn bão thường sẽ không đi qua đường xích đạo do hiệu ứng Coriolis - Ảnh ISTOCK / GETTY IMAGES PLUS

Tuy nhiên, ở đường xích đạo trong phạm vi khoảng 300km bão hiếm khi xuất hiện. Nguyên nhân là do lực Coriolis ở xích đạo rất yếu nên không đủ để tạo ra các vùng xoáy. Cho dù hội tụ đủ các yếu tố về độ sâu của biển, nhiệt độ nước, độ ẩm không khí… thì bão cũng không thể hình thành ở vùng xích đạo do lực Coriolis quá yếu.

Do đó, mặc dù các đại dương êm dịu và có độ đứt gãy thấp ở xích đạo, tuy nhiên lại không có đủ xoáy nền để tổ chức các cơn giông bão thành bão nhiệt đới. Song tại một số khu vực như Bắc Đại Tây Dương, sóng phía đông châu Phi có độ xoáy vừa phải nên chúng có khả năng phát triển thành bão nhiệt đới.

Mathew Barlow, giáo sư về khoa học môi trường Trái đất và khí quyển tại Đại học Massachusetts-Lowell cho biết, hiệu ứng Coriolis về cơ bản bằng 0 ở xích đạo. Chúng cũng khiến các cơn bão đi xa khỏi đường xích đạo bởi hiện tượng “trôi dạt beta”.

Ban đầu người ta tin rằng, từ vĩ tuyến 5 trở lại xích đạo, bão không thể hình thành, nhưng nghiên cứu gần đây đã phát hiện, các cơn bão nhiệt đới có thể xảy ra gần đường xích đạo, dù chúng chỉ là những cơn bão nhỏ và không có tổ chức. Theo Barlow, nếu đạt đủ các điều kiện về cường độ và hướng gió, cơn bão hoàn toàn có thể đi qua đường xích đạo.