Chờ...

Cầu vồng lửa là gì? Cầu vồng lửa và mây ngũ sắc giống hay khác nhau?

(VOH) – Cầu vồng lửa - một hiện tượng quang học cực kỳ hiếm gặp của tự nhiên, bởi chúng chỉ xuất hiện khi đạt đủ những điều kiện nhất định.

Đôi khi, con người phải “mắt chữ A mồm chữ O” khi tận mắt chứng kiến những hiện tượng thiên nhiên với hiệu ứng đặc biệt không khác gì kỹ xảo trong các bộ phim bom tấn của Hollywood. Sao chổi, mây ‘đĩa bay”, siêu trăng máu,… hay gần đây nhất là một hiện tượng vừa xuất hiện tại núi Bà Đen vào ngày mùng 5 Tết Quý Mão, mang tên “Cầu vồng lửa”.

1. Cầu vồng lửa là gì?

Cầu vồng lửa thật ra không phải lửa, cũng chẳng phải cầu vồng. Tên gọi chính xác của hiện tượng này là vòng cung tròn chân trời (tên tiếng Anh: circumhorizontal arc), là một hiện tượng quang học thuộc loại hào quang.

Cầu vồng lửa 1
Cầu vồng lửa là hiện tượng quang học thuộc loại hào quang - Nguồn ảnh: Cloudatlas

Ở dạng đầy đủ, cầu vồng lửa có sự xuất hiện của một dải màu lớn và rực rỡ, chạy theo hướng song song với đường chân trời. Thông thường, khi các đám mây hình thành hào quang nhỏ hoặc loang lỗ, nhìn lên trời chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được vầng hào quang nhiều sắc màu trong gần giống cầu vồng.

Hiện nay, ngoài tên gọi “vòng cung tròn chân trời” thì còn một tên gọi khác cũng được giới khoa học chấp nhận đó là “vòng cung đĩa 46 độ đối xứng dưới”. Thuật ngữ “cầu vồng lửa” là tên gọi chỉ dùng trong nhân dân, được đặt ra vào năm 2016. Nguồn gốc có thể là do hiện tượng kỳ thú này thường xuất hiện với các dãy màu rực rỡ và có hình dạng giống như “ngọn lửa” trên bầu trời.

2. Quá trình hình thành cầu vồng lửa

Cầu vồng lửa là một trong số các loại hào quang được hình thành do khúc xạ ánh sáng từ ánh nắng Mặt trời, đôi khi là Mặt trăng thông qua các tinh thể băng lẫn lộn trong bầu khí quyển, điển hình là trong các đám mây ti hoặc mây ti tầng.

Và để hiện tượng cầu vồng lửa xuất hiện, cần phải có sự kết hợp hoàn hảo giữa ánh sáng Mặt trời và các tinh thể băng. Khi Mặt trời ở trên cao, ánh sáng sẽ chiếu vào các tinh thể băng hình lục giác nằm ngang, rồi đi vào mặt bên thẳng đứng và đi ra ngoài qua mặt đáy nằm ngang.

Ở góc 90°, giữa các mặt vào và mặt ra của tia sáng sẽ tạo ra các màu quang phổ tách biệt, gọi là hào quang. Đồng thời, sự bẻ cong ánh sáng này cũng giống như sự bẻ cong ánh sáng đi qua lăng kính. Nếu các tinh thể nằm thẳng hàng, những ti mây sẽ hoạt động giống như một lăng kính, dẫn đến hình dạng giống như cầu vồng.

Cầu vồng lửa xuất hiện thường chỉ giới hạn trong một góc đáng kể, hiếm khi xuất hiện với hình dạng một vòng cung tròn đầy đủ. Ngoài ra, hiện tượng thiên nhiên này chủ yếu xảy ra vào mùa hè và thời gian lý tưởng nhất để chúng xuất hiện là từ giữa tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

Xem thêm:
Nguồn gốc của hiện tượng sấm sét do đâu mà có?
Thủy triều đỏ - một hiện tượng kỳ lạ, tuy đẹp mắt nhưng lại khiến con người sợ hãi
Bạn có biết nguyên nhân tại sao nước thì trong suốt nhưng tuyết lại có màu trắng

3. Điều kiện và nơi có thể xuất hiện cầu vồng lửa

Ngoài việc phải đảm bảo ánh sáng truyền đến những đám mây ti ở một góc cụ thể, sự xuất hiện của cầu vồng lửa còn cần phải đáp ứng đủ một số yếu tố như:

  • Mặt trời phải đạt độ cao ít nhất là 58° so với đường chân trời. Điều này có nghĩa là cầu vồng lửa do Mặt trời sẽ không xuất hiện ở các vĩ độ 55°B hoặc 55°N. Cầu vồng lửa do Mặt trăng có thể được thấy ở hầu hết vĩ độ nhưng nó rất hiếm khi xảy ra.
  • Các tinh thể băng chứa tia sáng đi qua phải có hình lục giác và các mặt của tinh thể băng bắt buộc phải song song với mặt đất.
Cầu vồng lửa 2
Hình ảnh cầu vồng lửa ảo diệu như kỹ xảo trong các bộ phim bom tấn - Nguồn ảnh: Christa Harbig

Do những điều kiện khắt khe nên cầu vồng lửa hiếm khi xuất hiện. Trên Trái đất, cầu vồng lửa không thể xuất hiện ở phía Bắc của vĩ tuyến 55° Bắc và phía Nam của vĩ tuyến 55° Nam. Những người dân sống gần vùng cực sẽ khó có thể được nhìn thấy hiện tượng này.

Ở những khu vực có độ cao từ 58° trở lên, cầu vồng lửa Mặt trời có thể sẽ xuất hiện ở vào khoảng thời gian gần ngày hạ chí. Ví dụ, ở London (Anh) Mặt trời chỉ đủ cao trong 140 giờ từ tháng 5 đến tháng 7, hay ở Los Angeles (Mỹ), Mặt trời đủ cao trong 670 giờ từ tháng 3 đến tháng 9.

4. Cầu vồng lửa và mây ngũ sắc giống hay khác nhau?

Mây cầu vồng lửa rất thường xuyên bị nhầm lẫn với hiện tượng mây ngũ sắc (hay mây ánh kim) do màu sắc và hình dạng của chúng tương tự nhau.

Mây ngũ sắc và cầu vồng lửa là hai hiện tượng thiên nhiên khác biệt. Mây ngũ sắc được hình thành do sự nhiễu xạ ánh sáng, trong khi cầu vồng lửa bắt nguồn từ hiện tượng khúc xạ ánh sáng.

Cầu vồng lửa 3

Bằng mắt thường chúng ta cũng có thể phân biệt được hai hiện tượng này qua những điểm khác biệt sau:

Cầu vồng lửa

  • Chỉ xảy ra tại một vị trí cố định trong mối quan hệ với Mặt trời hoặc Mặt trăng.
  • Dải màu luôn chạy theo chiều ngang hoặc hình cánh cung
  • Chuỗi màu sắc xuất hiện cố định với màu đỏ luôn nằm phía trên và màu tím ở phía dưới.

Mây ngũ sắc

  • Xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên bầu trời
  • Dải màu có thể có nhiều hình dạng khác nhau
  • Chuỗi màu sắc không cố định, trình tự màu sắc xuất hiện là ngẫu nhiên

5. Cầu vồng lửa xuất hiện ở Việt Nam

Tại Việt Nam, vào ngày 26/1 (nhằm ngày mùng 5 Tết Quý Mão), nhiều du khách khi tham quan núi Bà Đen (Tây Ninh) đã được dịp chiêm ngưỡng một “chiếc” cầu vồng lạ xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen, mà theo nhiều người gọi đây là cầu vồng lửa.

Hiện tượng cầu vồng lửa xuất hiện như một vầng quang bao quanh đỉnh núi Bà Đen cực rõ ràng và sắc nét nên nhiều du khách sau khi phát hiện đã ghi lại hình ảnh hiện tượng thú vị với niềm thích thú và và bất ngờ.

Một số hình ảnh về cầu vồng lửa được người dân chụp lại tại đỉnh núi Bà Đen:

Cầu vồng lửa 4
Nguồn ảnh: PLO
Cầu vồng lửa 5
Nguồn ảnh: PLO
Cầu vồng lửa 6
Nguồn ảnh: PLO

Cầu vồng lửa – một trong những hiện tượng đẹp nhất trong tự nhiên. Hiện tượng này rất hiếm gặp và không phải ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng đều có thể quan sát, cho nên nếu bạn có dịp bắt gặp được hiện này thì quả là điều may mắn!