Chờ...

Giỗ Tổ ngành may ngày nào? Bà Tổ nghề may là ai?

VOH - Những ai làm trong ngành may hẳn đều sẽ biết đến ngày giỗ Tổ ngành may. Tuy nhiên, với người ngoài ngành thì không phải ai cũng biết giỗ Tổ ngành may là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa ra sao?

Ngày giỗ Tổ ngành may là một ngày đặc biệt với những người trong ngành may mặc nói riêng và người dân Việt nói chung, bởi đây là dịp để chúng ta cùng nhau nhớ về nguồn cội của một ngành nghề cũng như thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Ngày giỗ Tổ ngành may là ngày gì?

Hàng năm, cứ đến ngày 12/12 Âm lịch, tất cả những người làm trong ngành may mặc ở Việt Nam lại thành kính tổ chức giỗ Tổ để ngưỡng vọng công đức Tổ nghề và các bậc tiền nhân đã có công lưu truyền thủ nghệ.

Đây là một truyền thống tốt đẹp của người Việt nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn người sáng lập nghề may và giúp mở mang kiến thức nghề nghiệp cho mọi người.

Đồng thời, giỗ Tổ ngành may cũng là dịp để những người trong ngành cầu nguyện phước lành, giúp việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán được thuận lợi, phát đạt, gặp nhiều may mắn.

voh-ngay-gio-to-nganh-may-1
Giỗ Tổ ngành may được tổ chức vào ngày 12 tháng Chạp Âm lịch hàng năm - Ảnh: Internet

Nguồn gốc ngày giỗ Tổ nghề may

Theo quan niệm nhiều người, xã hội tồn tại ngành nghề nào cũng đều sẽ có một sự tích hay một cá nhân nào đó đặt nền móng và tạo dựng từ thuở sơ khai và nghề may cũng không ngoại lệ.

Dệt may vốn là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam, được bắt nguồn từ khi con người biết trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng, để xác định được vị Tổ nghề thì rất khó. Riêng ở Hội An, các bậc cao niên truyền lại rằng: vị Tổ của nghề may chính là bà Nguyễn Thị Sen.

Thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá có ghi chép, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ở độ tuổi xuân thời, bà không chỉ xinh đẹp, nết na, giỏi giang việc nhà mà còn thạo cả việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Bà kết duyên cùng vua Đinh Tiên Hoàng, được phong làm Tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc - một trong 5 vị hoàng hậu nhà Đinh (Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông).

Tại cung vua, bà là người quản lý việc may mặc trang phục hoàng triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo ra nhiều loại trang phục cho Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi.

Đặc biệt, bà còn là người cầm tay chỉ dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ. Sau đó, những người được bà chỉ dạy lại tiếp tục truyền dạy cho những người khác. Cuối cùng, bà xây dựng được cho mình một đội ngũ thợ may đông đảo, phát triển nghề may trong cung. Điều mà trước đây chưa có vị Hoàng hậu nào làm được.

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, bà cùng Công chúa Liên Hoa giã từ hoàng cung Hoa Lư, trở về lại quê nhà tại Làng Trạch Xá. Tại đây, bà đã mang nghề may truyền dạy cho dân làng. Và từ đó, nghề may đã phát triền đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm.

Bà Nguyễn Thị Sen mất vào ngày 12 tháng Chạp (chưa rõ năm mất). Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của bà, người dân ở làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề May và tổ chức Lễ hội giỗ Tổ nghề May vào ngày 12 tháng Chạp Âm lịch hàng năm.

voh-ngay-gio-to-nganh-may
Bà Nguyễn Thị Sen được suy tôn làm bà Tổ nghề may - Ảnh: Internet

Nhắc đến Bà Nguyễn Thị Sen, trong bản Thần tích Đức Thánh Tổ diễn thơ của Cao Hữu Nghị có đoạn viết:

"Anh hùng Vạn Thắng sơn hà
Nước Đại Cồ Việt, hiệu là triều Đinh
Cầu hiền tài, giúp triều đình
Vua đi các ngả tuyển binh tướng tài
Tình cờ về đất Hà Tây
Gặp người con gái nơi đây tuyệt vời
Thật là sắc nước hương trời
Tuổi xuân phơi phới vui tươi dịu hiền
Có đôi má núm đồng tiền
Mắt đen lay láy, tóc huyền thướt tha
Hàm răng trong ngọc trắng ngà
Nụ cười như những đóa hoa xuân hồng
Giỏi cầy cuốc, giỏi cấy trồng
Vui say lao động trên đồng quê hương
Dãi dầu một nắng hai sương
Bông hoa đồng nội, thơm hương mặt trời
Vua Đinh thấy mặt thấy người
Lòng yêu mến, vội đón mời về cung
Nữ nhi sánh với anh hùng
Gái quê đồng nội - ung dung ngai vàng
Là Tứ phi - Đinh Tiên Hoàng
Sống trong cung điện, giàu sang lụa là
Lần lần tháng lại ngày qua
Học thêu thùa giỏi - cùng là cắt may
Càng ngày càng khéo đôi tay
May xiêm, may áo và may hoàng bào
Quan văn, quan võ kiểu nào
Hoàng thân, quốc thích biết bao áo quần
Bà cùng các nữ cung nhân
Cắt may khâu vá chuyên cần sớm trưa
Trên thì vừa ý nhà vua
Trăm quan ai mặc cũng vừa cũng khen
Tứ phi vua - Nguyễn Thị Sen
Có bàn tay thợ diệu hiền tài hoa
Cai quản cung nữ hoàng gia
Văn hóa may mặc- Quốc gia Cung đình".

Cúng giỗ Tổ thợ may cần những gì?

Thông thường, cúng giỗ Tổ ngành may, người ta hay cúng vào buổi sáng.

Vị trí bàn cúng được đặt ở nơi sạch sẽ, rộng rãi, gần máy may.

Mâm cúng giỗ Tổ ngành may tùy theo vùng miền sẽ có những món ăn khác nhau, thường thấy nhất là: hoa, trái cây, vịt, gà, heo, rượu, trầu cau, nước.

Riêng đối với những làng nghề lâu năm như ở làng Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam), lễ cúng sẽ được tổ chức trang trọng và cầu kỳ hơn. Lễ vật điển hình sẽ gồm:

  • Trái cây ngũ quả
  • Hoa lay ơn
  • Nhang rồng phụng 5 tấc
  • Đèn cầy
  • Gạo
  • Muối
  • Trà pha sẵn
  • Rượu nếp
  • Trầu cau
  • Giấy cúng Giỗ tổ ngành May
  • Xôi
  • Gà luộc
  • Heo quay con
  • Bánh bao
  • Bánh chưng/bánh tét
  • Chả lụa

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, chủ nhà may hoặc người thợ chính ăn mặc chỉnh tề làm chủ bái, khấn vái và cảm tạ công ơn vị Tổ nghề khai sáng ra nghề may mặc, cùng các bậc tiền hiền đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề may… Lễ cúng xong, thợ thầy cùng vui hưởng, chuyện trò, trao đổi công việc.

 Mẫu văn khấn trong lễ cúng giỗ ngành may

Theo quan niệm xưa, để được Tổ nghề ban lộc, ban phúc thì quá trình cúng giỗ Tổ cần thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo được tính tôn nghiêm. Trong đó, văn khấn cúng giỗ Tổ ngành may là một bước không thể thiếu.

voh-ngay-gio-to-nganh-may-2
Văn khấn cúng giỗ Tổ ngành may là một nghi thức không thể thiếu - Ảnh: Internet

Dưới đây là mẫu văn khấn trong lễ giỗ Tổ nghề may:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ thần quân.

Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quan trong xứ này.

Tín chủ con là ……………

Cư ngụ tại………

Hôm nay là ngày 12 tháng chạp năm …………

Tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, đốt nén nhang hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời: Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư vị Tôn Thần, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng Chư vị Tôn thần.

Con kính mời ngài Thánh sư nghề MAY.

Con cúi xin Chư vị Tôn thần Thánh sư nghề MAY thương xót cho tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người vượng, tâm đạo mở mang, lộc tài tăng tiến, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Một số câu hỏi liên quan đến ngày cúng giỗ Tổ ngành may

Việc tổ chức giỗ Tổ ngành may đã và đang trở thành thông lệ đối với những người làm trong ngành may mặc. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan về ngày giỗ Tổ ngành may được nhiều người quan tâm.

Giỗ Tổ nghề may tổ chức ngày nào?

Giỗ tổ nghề May được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 12 (tháng Chạp Âm lịch), là một trong những ngày lễ lớn tại Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam).

Nghề thợ may xuất phát từ đâu?

Nghề may mặc có thể đã được bắt nguồn từ làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Ai là bà Tổ của nghề thợ may?

Theo thần tích, người sáng lập ra nghề thợ may là Bà Nguyễn Thị Sen - Ca Ông Hoàng Hậu, là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng.

Ai sẽ chủ trì buổi lễ cúng giỗ Tổ nghề may?

Chủ bái trong lễ giỗ Tổ ngành may thường là người lớn tuổi, đứng cao vọng trọng trong nghề. Với những công ty, doanh nghiệp… thì người chủ trì chính là chủ của những đơn vị này.

Giỗ Tổ ngành may là một dịp quan trọng đối với những người làm trong ngành may mặc. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ này.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận