Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục

VOH - Ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn nạn của toàn cầu, gây ra những hậu quả nặng nề cho cả con người lẫn môi trường tự nhiên.

Xã hội với sự tăng trưởng thần tốc đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường. Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Ô nhiễm môi trường là gì?

Khái niệm ô nhiễm môi trường

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (khoản 12, Điều 3), ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

Có thể hiểu đơn giản, ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên đã bị nhiễm bẩn, các tính chất vật lý, sinh học, hóa học trong môi trường đất, nước, không khí bị thay đổi. Từ đó, gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và sinh vật. 

Hiện nay, các loại ô nhiễm môi trường phổ biến bao gồm:

  • Ô nhiễm môi trường đất
  • Ô nhiễm môi trường không khí
  • Ô nhiễm môi trường nước
  • Ô nhiễm tiếng ồn
  • Ô nhiễm nhiệt
  • Ô nhiễm tầm nhìn
  • Ô nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 1
Ô nhiễm môi trường là vấn nạn của toàn cầu

Xem thêm:
El Nino là gì? Những ảnh hưởng của El Nino khiến con người lo sợ
Thủy triều đỏ là gì? Vì sao lại trở thành nỗi khiếp sợ của ngư dân?
Vòi rồng là gì? Cần làm gì khi quan sát thấy hiện tượng vòi rồng

Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay

Hiện nay, ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối chung của toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia, mọi dân tộc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến phức tạp song hành với sự phát triển của xã hội, kéo theo hàng loạt các hệ quả khó lường.

Tại Việt Nam, vấn đề được đặc biệt quan tâm là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất. Thông qua các phương tiện truyền thông, bạn có thể dễ dàng thấy được các ảnh hưởng thực tế về thực trạng môi trường hiện nay.

Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 2
Ô nhiễm không khí có tác động rất xấu đến sức khỏe con người

Cụ thể, Hà Nội và TPHCM là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất cả nước. Có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời gây hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

Tại các khu vực trọng điểm kinh tế, vấn đề ô nhiễm nguồn nước dần trở nên căng thẳng. Lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sông, suối, thậm chí là mạch nước ngầm sạch dùng trong sinh hoạt, y tế. 

Ô nhiễm môi trường nước

Khái niệm ô nhiễm môi trường nước

Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn hoặc các thành phần trong nước bị biến đổi xấu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sinh vật. 

Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 3
Ô nhiễm môi trường nước gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường nước

Hiện nay, ở các khu vực thành phố lớn, các địa bàn tập trung khu công nghiệp và đông dân cư, tình trạng ô nhiễm nguồn nước càng nghiêm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước như:

  • Chất thải công nghiệp: Trong quá trình sản xuất, do khâu xử lý chất thải chưa chặt chẽ hoặc vì để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, một số doanh nghiệp đã xả thẳng chúng xuống sông, hồ, biển.
  • Chất thải sinh hoạt: Rác thải và nước thải sinh hoạt từ các khu cư dân trực tiếp xả thẳng xuống cống, kênh rạch, sông dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, làm nước bốc mùi hôi thối và làm chết sinh vật sống dưới nước.
  • Chất thải y tế: Đa số các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước đều chưa có được hệ thống xử lý nguồn nước thải đạt yêu cầu. 
  • Quá trình sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi): Trong hoạt động trồng trọt, người nông dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón… để bảo vệ và gia tăng năng suất cây trồng. Các chất độc này ngấm xuống mạch nước ngầm hoặc chảy ra ao, hồ, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trong khu vực sinh sống và lân cận. Trong chăn nuôi, các loại thức ăn thừa không qua xử lý, phân và nước tiểu của vật nuôi xả trực tiếp ra ngoài chính là những tác nhân dễ dàng nhận thấy nhất.
  • Ô nhiễm do các điều kiện của tự nhiên: như lũ lụt, gió bão, tuyết tan, hạn hán,… là những tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước trên Trái Đất.
  • Quá trình đô thị hóa: Sự đô thị hóa là quá trình tất yếu của phát triển xã hội. Việc tiêu thụ quá nhiều, xả rác bừa bãi và không có ý thức với môi trường sẽ dần hủy hoại cuộc sống của chính con người.
Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 4
Chất thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước tự nhiên

Hậu quả ô nhiễm môi trường nước

Có nhiều hậu quả xảy ra khi môi trường nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, có ba hậu quả lớn nhất và dễ nhận thấy nhất là:

  • Đối với sinh vật sống dưới nước: Nước thải với các chất độc hại sẽ làm môi trường sống của các sinh vật dưới nước bị thay đổi, khiến các sinh vật này chậm phát triển. Thậm chí, nếu chúng không thể thích nghi được sẽ dẫn đến cái chết hàng loạt, làm tài nguyên biển, cũng như hệ sinh thái dưới nước bị suy kiệt.
  • Đối với thực vật: Nếu sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới tiêu, hoa màu sẽ héo mòn, chậm phát triển. Nếu sự ô nhiễm quá nặng nề sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất, khiến đất cằn cỗi, dễ xói mòn.
  • Đối với con người: Nguồn nước rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh hoạt của con người. Ô nhiễm môi trường nước sẽ làm biến đổi chất lượng nguồn nước, khiến nước sinh hoạt, phục vụ nông nghiệp và công nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm.

Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước

  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước cho người dân.
  • Xây dựng, hoàn thiện và quản lý chặt chẽ chu trình xử lý chất thải của nhà máy, xí nghiệp.
  • Hoàn thiện và bảo dưỡng định kỳ hệ thống xử lý nước thải tại các khu dân cư và khu công nghiệp.

Ô nhiễm môi trường đất

Khái niệm ô nhiễm môi trường đất

Ô nhiễm môi trường đất là hiện tượng suy thoái chất lượng của đất do các hoạt động sản xuất, kinh tế của con người gây nên. Cụ thể, hành vi xả rác bừa bãi, sử dụng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác tài nguyên khoáng sản, phá rừng… sẽ làm bề mặt đất bị tổn hại nặng nề. 

Khi môi trường đất bị ô nhiễm, môi trường sống của các loài động, thực vật bị thu hẹp. Con người cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu đất đai bị xói mòn, cằn cỗi.

Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 5
Xả rác bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường đất

Có hai nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, bao gồm nguyên nhân tự nhiên (khách quan) và nguyên nhân nhân tạo (chủ quan).

Về nguyên nhân khách quan:

  • Đất nhiễm phèn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đất nhiễm phèn, trong đó, nguyên nhân chính thường là mạch nước ngầm dưới lòng đất. Khi đất nhiễm phèn, độ pH trong môi trường đất bị suy giảm, gây ra sự ngộ độc cho cây cối cũng như sinh vật sinh sống trong môi trường đó.
  • Đất nhiễm mặn: Khi thủy triều dâng cao mang theo lượng muối từ biển hoặc từ các mỏ muối đến, nồng độ Na, K hoặc Cl trong đất bị tăng cao, dẫn tới áp suất thẩm thấu tăng và làm giới hạn sự phát triển của thực vật.

Về nguyên nhân chủ quan:

  • Rác thải sinh hoạt: Việc xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt lớp đất. Sự gia tăng của rác thải nhựa từ túi nilon, ống hút, chai nước… cũng gây áp lực đến môi trường đất. Thời gian phân hủy của rác thải nhựa rất lâu, có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn năm.
  • Chất hóa học nông nghiệp như thuốc trừ sâu, diệt cỏ: Thuốc trừ sâu, diệt cỏ có thể giúp ngăn ngừa, tiêu diệt sâu bệnh phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, một số chất độc hại như Dioxin khi còn tồn đọng sẽ cực kỳ nguy hiểm. 
  • Khai thác bừa bãi đất canh tác, phá rừng: Để mở rộng khu vực canh tác cũng như vì lợi ích công nghiệp, con người tiến hành chặt cây, phá rừng, đào xới đất, phá hủy đất, khiến gia tăng tình trạng xói mòn đất đai.
  • Hoạt động công nghiệp: Nhiều nhà máy và khu công nghiệp không xử lý an toàn nước thải mà xả thẳng chúng ra bên ngoài môi trường. Tại các nhà máy nhiệt điện, lượng than hằng ngày được đốt cháy rất nhiều, tạo ra chất thải dưới dạng tro rồi thẩm thấu xuống lòng đất, lâu dần tích tụ và biến thành các chất thải độc hại.  
  • Đô thị hóa: Quá trình đô thị hóa có thể gây xói mòn, nén chặt đất và phá hủy cấu trúc đất. Khói bụi đến từ các phương tiện tham gia giao thông kết hợp với những tác động của không khí cũng gây nên những tác động tiêu cực tới môi trường đất.
Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 6
Môi trường đất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Hậu quả ô nhiễm môi trường đất

Có nhiều hậu quả xảy ra khi môi trường đất bị ô nhiễm. Cụ thể như sau:

  • Đất bị thoái hóa: Khi phần đất trên bề mặt bị thay đổi, đất đai sẽ bị chua, mặn, không còn đủ chất dinh dưỡng và chai cứng, việc khai thác, trồng trọt sẽ trở nên khó khăn.
  • Ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm: Môi trường đất và nguồn nước ngầm có sự ảnh hưởng lớn đến nhau. Khi đất bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến con người, vì hầu hết lượng nước phục vụ cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt đều từ các mạch nước ngầm.
  • Tác động tới sản xuất nông nghiệp: Môi trường đất không đủ chất lượng sẽ khiến cây trồng khó phát triển, ảnh hưởng tới sản lượng thực phẩm.
  • Ảnh hưởng tới sức khỏe con người: Chất ô nhiễm ở đất ngấm vào nước ngầm có thể dẫn đến các bệnh mãn tính, ung thư, dị tật bẩm sinh… khi con người tiếp xúc nhiều.
  • Tác động tới hệ sinh thái: Hệ thực vật và năng suất cây trồng bị suy giảm, gây nên sự mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới sự sống của sinh vật.

Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đất

  • Giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra môi trường: Không xả rác bừa bãi, hạn chế rác thải nhựa…
  • Xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp từ các khu dân cư và các nhà nhà máy, xí nghiệp.
  • Xử lý các chất hóa học phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.
  • Ngăn chặn nạn phá rừng bừa bãi.

Xem thêm:
Những câu nói hay về thiên nhiên, Status cap hay về vẻ đẹp thiên nhiên
85 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về thiên nhiên quan hệ tới lao động sản xuất của con người
35+ bài thơ về thiên nhiên hay, câu thơ về phong cảnh thiên nhiên khiến bạn say đắm

Ô nhiễm môi trường không khí

Khái niệm ô nhiễm môi trường không khí

Ô nhiễm không khí là hiện tượng không khí có sự thay đổi trong các thành phần không khí, gây mất sự trong lành, có mùi khó chịu, làm giảm tầm nhìn của con người và gây biến đổi khí hậu.

Hiện nay, chất lượng không khí ở các đô thị lớn đang ngày càng sụt giảm, bụi mịn gia tăng làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người (nhất là các bệnh về hô hấp). Điều này còn gây ra hiệu ứng nhà kính và các hiện tượng thiên nhiên bất thường.

Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 7
Tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM đang ở mức đáng báo động

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí 

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí về cơ bản là từ nguyên nhân tự nhiên (khách quan) và do con người (chủ quan).

Nguyên nhân từ tự nhiên: 

  • Ô nhiễm không khí do phun trào núi lửa: Hiện tượng núi lửa phun trào tạo ra lượng lớn khí Metan, Clo, Lưu huỳnh khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
  • Cháy rừng: Những đám cháy sẽ sản sinh ra một lượng Nito Oxit khổng lồ. Cháy rừng còn giải phóng một lượng khói bụi và tàn tro lớn vào không khí.

Nguyên nhân từ con người (nhân tạo):

  • Hoạt động sản xuất công nghiệp: Khói bụi từ các ống xả của nhà máy, xí nghiệp thải ra các khí CO₂, CO, SO₂, NOx cùng một số chất hữu cơ khác với nồng độ cực cao. Điều này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, hiện tượng mưa axit cũng chính là hậu quả của những hoạt động sản xuất công nghiệp không xử lý thải đúng cách gây nên.
  • Trong nông nghiệp: các hoạt động đốt rơm, rạ, đốt rừng làm rẫy cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí.
  • Giao thông vận tải: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí hiện nay. Sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện giao thông tạo nên lượng khí thải cực lớn và nồng độ cực cao tràn vào không khí. Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), giao thông vận tải đóng góp 24,34% lượng khí thải carbon mỗi năm.
  • Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng: Các hoạt động xây dựng cao ốc, chung cư cao tầng, cầu đường hay vận chuyển vật liệu… tạo ra khói bụi cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 8
Sự phát triển của xã hội hiện đại kéo theo sự gia tăng của ô nhiễm không khí

Hậu quả ô nhiễm môi trường không khí

Ô nhiễm môi trường không khí mang đến nhiều hậu quả cho động, thực vật và con người. Chúng là tác nhân tạo ra bệnh tật, gây ra “cái chết thầm lặng” cho rất nhiều người mỗi năm.

Tác hại đối với động, thực vật: 

  • Các hợp chất như SO₂, NO₂, CO… có trong không khí ô nhiễm sẽ làm tắc nghẽn khí quản và giảm hệ miễn dịch của động vật. 
  • Khói bụi từ khu công nghiệp khi gây nên hiện tượng mưa axit sẽ làm chết cây cối, ô nhiễm nguồn nước, giết chết các vi sinh vật có lợi trong đất, ảnh hưởng việc nuôi trồng, làm giảm sản lượng, gây mất mùa…

Tác hại đối với con người: 

  • Ô nhiễm môi trường không khí chính là tác nhân chính khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng. Vì chúng có kích thước rất nhỏ, dễ đi vào các nang trong phổi gây nên các bệnh về hô hấp.
  • Ngoài ra ô nhiễm môi trường không khí còn làm trầm trọng hơn các bệnh hen suyễn, ung thư phổi. Chúng còn tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, tự kỷ hay dễ cáu gắt.
Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục 9
Ô nhiễm không khí gây nên những hậu quả tiêu cực đối với đời sống con người

Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí

Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra, mỗi chúng ta cần phải hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Để khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, chúng ta cần:

  • Cải thiện thói quen sinh hoạt: Thói quen sinh hoạt của người dân có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng không khí. Việc này có thể được thực hiện bằng cách xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác bừa bãi, thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang các thiết bị điện. Đặc biệt, việc sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển cũng là biện pháp giúp giảm thiểu lượng khí thải khi tham gia giao thông.
  • Xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định: Để khắc phục ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định về xử lý chất thải công nghiệp. Điều này cần có sự tuân thủ toàn diện và chủ động. 
  • Dùng biện pháp kỹ thuật: Công nghệ kỹ thuật hiện đại và công nghệ sinh học hiện nay có thể khắc phục ô nhiễm không khí hiệu quả và an toàn. Khí thải trong các nhà máy, xí nghiệp sau khi được lọc sạch sẽ góp phần giảm sự ô nhiễm không khí ngoài môi trường.
  • Quy hoạch và trồng cây xanh: Trồng cây xanh, phát triển rừng là một trong những biện pháp cực kỳ hữu ích. Là “lá phổi” của Trái Đất, cây xanh hỗ trợ lọc sạch không khí, ngăn ngừa thiên tai. Tại các đô thị lớn, việc trồng nhiều cây xanh tại công viên và vỉa hè sẽ giúp giảm những tác động của khí thải và khói bụi, tăng sự trong lành trong không khí.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về ô nhiễm môi trường. Hiểu được ô nhiễm môi trường là gì cũng như các hậu quả mà chúng tác động đến đời sống, mỗi người dân cần xây dựng ý thức và chung tay bảo vệ môi trường để cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận