Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Top 5 châu lục có diện tích lớn nhất thế giới

(VOH) – Thế giới rộng lớn và có nhiều điều chúng ta không biết về các châu lục trên thế giới. Các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về những châu lục lớn nhất thế giới nhé.

Có bao giờ bạn tự hỏi, châu lục lớn nhất thế giới là ở đâu và có những điều gì thú vị về châu lục đó hay chưa? Việt Nam chúng ta nằm ở châu lục nào, và châu lục đó lớn thứ mấy trên thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy đi tìm hiểu về châu lục lớn nhất thế giới nhé. 

1. Châu lục nào lớn nhất thế giới?

Hiện nay, châu lục lớn nhất thế giới chính là châu Á, với diện tích khoảng 44.6 triệu km vuông, chiếm 8,6% diện tích của bề mặt Trái Đất, 30% diện tích đất liền trên thế giới. Nhờ vào diện tích rộng lớn, châu Á đang sở hữu thuận lợi về dân số khi có khoảng 60% dân số thế giới (4,5 tỷ /7,5 tỷ - 2017) đang sống tại đây.

Châu Á có đường bờ biển dài nhất thế giới, 62.800 km, thường được chia thành 6 khu vực: Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á, Tây Á và Bắc Á. Nó tiếp giáp với Bắc Băng Dương ở phía bắc, Thái Bình Dương ở phía đông, Ấn Độ Dương ở phía nam, Biển Đỏ (cũng như các biển nội địa của Đại Tây Dương - Địa Trung Hải và Biển Đen ) ở phía tây nam, và Châu Âu ở phía tây. 

Bật mí những bất ngờ về châu lục lớn nhất thế giới 1

Câu trả lời cho câu hỏi châu lục nào lớn nhất thế giới là châu Á

Châu Á có địa hình cao ở giữa, thấp ở bốn phía xung quanh, khí hậu vô cùng đa dạng bởi sở hữu diện tích vô cùng rộng lớn. Châu lục lớn nhất thế giới này cũng có nhiều hệ thống sông cả và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có trữ lượng lớn.

Đặc biệt, ngoài danh hiệu châu lục lớn nhất thế giới, châu Á còn nắm giữ hàng loạt những cái “nhất” như: có đỉnh núi cao nhất thế giới, điểm thấp nhất thế giới, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, nhiều núi lửa nhất thế giới...

2. Những châu lục có diện tích lớn nhất thế giới

Châu Á chiếm diện tích vô cùng rộng lớn và trải dài trên cả hai bán cầu. Vậy những châu lục nào có diện tích lớn tiếp theo sau châu Á? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết nhé. 

2.1 Châu Phi

Châu lục có diện tích lớn thứ hai sau châu Á là châu Phi. Châu Phi có diện tích khoảng 30 triệu km vuông, chiếm khoảng 1/5 tổng diện tích đất liền của Trái đất. Dân số ước tính của châu lục này là khoảng 1.3 tỷ người (tính đến năm 2021), chiếm hơn 17% dân số thế giới.

Bật mí những bất ngờ về châu lục lớn nhất thế giới 2

Châu Phi đứng thứ hai trong danh sách những châu lục có diện tích lớn nhất thế giới

Lục địa châu Phi được bao quanh bởi Biển Địa Trung Hải ở phía bắc, eo đất Suez và Biển Đỏ ở phía đông bắc, Ấn Độ Dương ở phía đông nam và Đại Tây Dương ở phía tây. toàn bộ lục địa là một cao nguyên khổng lồ, có nguồn khoáng sản phong phú, khí hậu khô nóng và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

2.2 Bắc Mỹ

Bắc Mỹ đứng thứ ba trong danh sách châu lục lớn nhất thế giới với tổng diện tích khoảng 24.5 triệu km vuông, chiếm khoảng 16,5% diện tích đất liền của Trái Đất.

Châu lục này nằm hoàn toàn trong Bắc Bán cầu và gần cũng nằm trọn trong Tây Bán cầu của Trái Đất. Bắc Mỹ giáp với Đại Tây Dương về phía Đông,  Bắc Băng Dương về phía Bắc, giáp Nam Mỹ và Biển Caribe về phía Đông Nam, với Thái Bình Dương về phía Tây và phía Nam.

Bật mí những bất ngờ về châu lục lớn nhất thế giới 3

Đứng thứ ba trong danh sách những châu lục lớn nhất thế giới là châu Bắc Mỹ

Lục địa Bắc Mỹ có hình dạng gần giống với một hình tam giác có đáy ở phía bắc và đỉnh ở phía nam. Chúng có đường bờ biển dài khoảng 60.000 km, tức là chỉ đứng sau châu Á.

Xem thêm:
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới
Đại dương và biển rộng lớn nhất trên thế giới hiện nay nằm ở đâu?
Top 10 hang động lớn nhất thế giới hiện nay

2.3 Nam Mỹ

Nam Mỹ là lục địa lớn thứ tư thế giới với diện tích 17.8 triệu km vuông, chiếm khoảng ⅛ bề mặt đất liền của Trái đất. Nam Mỹ chiếm phần phía nam của châu Mỹ và bắt đầu từ phía nam kênh đào Panama trở xuống. Nó tiếp giáp với Biển Caribe về phía Tây Bắc và Bắc, Đại Tây Dương ở phía Đông Bắc, Đông và Đông Nam, với Thái Bình Dương ở phía Tây. 

Bật mí những bất ngờ về châu lục lớn nhất thế giới 4

Châu Nam Mỹ xếp vị trí thứ tư trong danh sách những châu lục lớn nhất thế giới

Nam Mỹ là nơi có thác nước không bị gián đoạn cao nhất thế giới, thác Angel ở Venezuela; thác nước đơn rơi thẳng đứng cao nhất thế giới Kaieteur ở Guyana ; sông có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới Amazon; dãy núi dài nhất thế giới Andes; rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và phong phú nhất (loài cây và động vật) Amazon…

2.4 Nam Cực

Nam Cực là lục địa lớn thứ 5 thế giới với diện tích 14.2 triệu km vuông nhưng khoảng 98% diện tích đất liền bị lớp băng dày bao phủ. Đây là lục địa cao nhất, khô nhất, gió nhất, lạnh nhất thế giới. Vì vậy chỉ có sự hiện diện của các  nhà nghiên cứu khoa học và nhân viên hỗ trợ. Nam Cực được chia thành Tây Nam Cực và Đông Nam Cực.

Bật mí những bất ngờ về châu lục lớn nhất thế giới 5

Nằm ở vị trí thứ năm, châu Nam Cực cũng thuộc nhóm những châu lục lớn nhất thế giới

Hai châu lục còn lại trên thế giới là châu Âu và châu Úc lần lượt là lục địa nhỏ thứ hai và thứ nhất thế giới. Trong đó:

  • Châu Âu có diện tích khoảng 10 triệu km vuông, chiếm khoảng 7% diện tích đất liền của thế giới. Nó chỉ lớn hơn Canada một chút nhưng lại có dân số gấp đôi Nam Mỹ.
  • Châu Úc (hay châu Đại Dương) là lục địa nhỏ nhất, bằng phẳng nhất và khô hạn thứ hai trên thế giới (sau châu Nam Cực). Lục địa này có diện tích khoảng 8.5 triệu km vuông.

Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới và cũng sở hữu số lượng dân cư đông đúc nhất thế giới. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích và thú vị.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận