Tiêu điểm: Nhân Humanity

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới

(VOH) - Hồ là vùng nước rộng và sâu nằm trong đất liền có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Bài viết dưới đây tìm hiểu về những hồ nước lớn nhất thế giới, mời bạn theo dõi.

Trong quá trình chuyển động của lớp vỏ trái đất đã tạo nên những kỳ quan thiên nhiên chứa nước hùng vĩ như biển, sông, thác nước,... và các vùng nước rộng, sâu nằm trong đất liền gọi là Hồ. Vậy hồ phân biệt với những vùng nước khác trên trái đất như thế nào? Và những hồ nào là lớn nhất trên trái đất, mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hồ là gì?

Hồ là vùng nước nằm sâu trong lục địa, thông thường hồ sẽ tách biệt với biển và đại dương, tuy nhiên vẫn có số ít trường hợp ngoại lệ vẫn có hồ tiếp giáp với biển. Hồ được tạo thành từ những vận động của vỏ trái đất và sự biến đổi của thời tiết qua các kỷ địa chất từ hàng triệu đến hàng tỷ năm nay. Phần lớn các hồ là hồ nước ngọt nhưng cũng có một số hồ nước mặn. Hồ có thể cao hơn mực nước biển (hồ trên núi) và ngang hoặc thấp hơn mực nước biển. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 thống kê có tới hơn 117 triệu hồ có diện tích > 0,002 km² (2.000 m²) trên trái đất.

Phần lớn các hồ thông với hệ thống sông ngòi vì thế hồ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng nước của các dòng sông và duy trì hệ sinh thái trên trái đất. Hồ còn đóng vai trò cung cấp nước cho con người sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, tham quan du lịch,... vì thế hiện nay chính phủ các nước trên thế giới luôn chủ động duy trì và bảo tồn các hồ nước có vai trò quan trọng trong đời sống con người.

Ngoài các hồ tự nhiên còn có những hồ nước được hình thành do những hành động xây dựng của con người được gọi là hồ nhân tạo, có những hồ nhân tạo rất lớn đến vài ngàn km². Hồ nhân tạo được con người sử dụng vào các việc như: khai thác năng lượng (hồ thủy điện), tưới tiêu, điều hòa nước của hệ thống sông ngòi, khu du lịch sinh thái,...

2. Top 11 hồ lớn nhất thế giới

2.1 Biển Caspi - 371.000 km²

Hồ lớn nhất trên thế giới hiện nay cả về diện tích và dung tích nước là Biển Caspi (diện tích bề mặt vào khoảng 371.000 km² và thể tích nước chứa bên trong là gần 78.200 km³) vì có độ mặn bằng khoảng ⅓ độ mặn thông thường của đại dương (~1,2%) nên đồng thời còn gọi là hồ nước mặn lớn nhất thế giới.

Biển Caspi nằm ở giữa 5 quốc gia là Nga (phía bắc), Iran (phía nam), Turkmenistan (phía đông), Kazakhstan (phía đông bắc) và Azerbaijan (phía tây). Biển Caspi nằm trong nhóm “Hồ” vì không thông ra bất cứ đại dương nào nhưng vì quá rộng lớn nên được gọi là “Biển”. Độ sâu tối đa của biển Caspi vào khoảng 1.025 m.

Sông Volga - con sông dài nhất châu Âu là nguồn nước chính cho biển Caspi. Biển Caspi đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế của những quốc gia tiếp giáp vì tài nguyên biển dồi dào và các hoạt động giao thông qua biển. Tuy vậy, vì nằm ở vĩ độ cao nên vào mùa đông biển Caspi thường bị đóng băng ở gần bờ Bắc.

Biển Caspi rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, chính vì sự tranh chấp quyền sở hữu nguồn tài nguyên này mà 5 quốc gia có tiếp giáp với biển Caspi đã có nhiều xung đột với nhau.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 1
Biển Caspi là hồ lớn nhất thế giới

2.2 Hồ Michigan - Huron - 117.702 km²

Hồ Michigan - Huron bao gồm 2 hồ thông nhau là Hồ Michigan và Hồ Huron, là hồ nằm trong nhóm ngũ đại hồ lớn nhất Bắc Mỹ. Hồ Michigan - Huron là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới tính theo diện tích bề mặt.

  • Vị trí: Tiếp giáp Hoa Kỳ và Canada.
  • Nguồn nước: Sông Saint Marys
  • Diện tích bề mặt: 117.702 km²
  • Dung tích: 8.457 km³
  • Độ sâu tối đa: 281 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 2
Hồ Michigan - Huron là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới

Xem thêm:
Những nơi nóng nhất thế giới nằm ở đâu?
Top 13 loài rắn độc nhất thế giới ở trên cạn và dưới nước
Người cao nhất thế giới là ai?

2.3 Hồ Superior - 82.414 km²

Hồ Superior hay hồ Thượng là hồ nằm ở phía bắc trong nhóm ngũ đại hồ lớn nhất Bắc Mỹ. Hồ Superior là hồ nước ngọt thứ 2 thế giới tính theo diện tích bề mặt.

  • Vị trí: Hoa Kỳ, Canada.
  • Nguồn nước: Sông Nipigon, Sông St. Louis, Sông Pigeon, Sông Pic, Sông White, Sông Michipicoten, Sông Kaministiquia
  • Diện tích bề mặt: 82.414 km²
  • Dung tích: 12.100 km³
  • Độ sâu tối đa: 406 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 3
Hồ Superior là hồ nước ngọt lớn thứ 2 trên thế giới

2.4 Hồ Victoria - 69.485 km²

Hồ Victoria là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi. Hồ được đặt theo tên nữ hoàng Anh Victoria I và được phát hiện bởi một nhà thám hiểm người Anh tên là John Hanning Speke.

  • Vị trí: Tanzania (phía nam), Uganda (phía bắc), Kenya (phía đông bắc)
  • Nguồn nước: Sông Kagera
  • Diện tích bề mặt: 69.485 km²
  • Dung tích: 2.750 km³
  • Độ sâu tối đa: 83 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 4
Hồ Victoria là hồ nước lớn nhất châu Phi

2.5 Hồ Tanganyika - 32.893 km²

Hồ Tanganyika là hồ nước ngọt lớn thứ 2 châu Phi đồng thời cũng là hồ nước ngọt sâu thứ 2 thế giới (sau hồ Baikal).

  • Vị trí: Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania, Burundi  và Zambia.
  • Nguồn nước: Sông Ruzizi, Sông Malagarasi, Sông Kalambo
  • Diện tích bề mặt: 32.893 km²
  • Dung tích: 18.900 km³
  • Độ sâu tối đa: 773 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 5
 

2.6 Hồ Baikal - 31.500 km²

Hồ Baikal là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới đồng thời cũng là hồ nước ngọt có dung tích nước lớn nhất thế giới, khoảng 22% nước ngọt chưa đóng băng trên trái đất nằm ở hồ Baikal.

  • Vị trí: Siberia, Nga
  • Nguồn nước: Sông Selenga, Sông Barguzin, Sông Angara Thượng
  • Diện tích bề mặt: 31.500 km²
  • Dung tích: 23.615 km³
  • Độ sâu tối đa: 1.642 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 6
 

2.7 Hồ Great Bear - 31.080 km²

Hồ Great Bear hay Hồ Gấu Lớn là hồ lớn thứ 3 ở Bắc Mỹ. Hồ bị đóng băng hoàn toàn suốt 6 tháng trong năm (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau).

  • Vị trí: Nội địa Canada
  • Diện tích bề mặt: 31.080 km²
  • Dung tích: 2.236 km³
  • Độ sâu tối đa: 446 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 7
 

2.8 Hồ Malawi - 30.044 km²

Hồ Malawi hay Hồ Niassa nằm khá gần Hồ Tanganyika trong khu vực gọi là Thung lũng tách giãn Lớn ở châu Phi, là hồ có nhiều loài cá sống bậc nhất trên thế giới.

  • Vị trí: Malawi, Mozambique và Tanzania
  • Nguồn nước: Sông Ruhuhu
  • Diện tích bề mặt: 30.044 km²
  • Dung tích: 8.400 km³
  • Độ sâu tối đa: 706 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 8
 

2.9 Hồ Great Slave - 28.930 km²

Hồ Great Slave là hồ lớn thứ 2 của Canada (sau hồ Gấu Lớn) đồng thời là hồ sâu nhất của Bắc Mỹ.

  • Vị trí: Nội địa Canada
  • Nguồn nước: Sông Hay, Sông Slave, Sông Taltson, Sông Lockhart, Sông Yellowknife, Sông Snare, Sông Marian
  • Diện tích bề mặt: 28.930 km²
  • Dung tích: 1.580 km³
  • Độ sâu tối đa: 614 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 9
 

2.10 Hồ Erie - 25.719 km²

Hồ Erie là hồ có thể tích nhỏ nhất và độ sâu thấp nhất trong nhóm ngũ đại hồ của Bắc Mỹ.

  • Vị trí: Canada, Hoa Kỳ
  • Nguồn nước: sông Detroit
  • Diện tích bề mặt: 25.719 km²
  • Dung tích: 484 km³
  • Độ sâu tối đa: 64 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 10
 

2.11 Hồ Winnipeg - 23.553 km²

  • Vị trí: Canada
  • Nguồn nước: sông Winnipeg, Sông Saskatchewan, Sông Red
  • Diện tích bề mặt: 25.719 km²
  • Dung tích: 284 km³
  • Độ sâu tối đa: 36 m
Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 11
 

Xem thêm:
Những phát minh vĩ đại của Thomas Edison làm thay đổi thế giới
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài người đột nhiên biến mất?
Hiệu ứng cánh bướm và cách ứng dụng trong thực tiễn

3. Hồ nhân tạo lớn nhất thế giới

Hồ nhân tạo Volta là hồ chứa nước do con người xây dựng có diện tích bề mặt lớn nhất thế giới vào khoảng 8.484 km². Hồ Volta nằm trong lãnh thổ Ghana, Châu Phi và được cấp nước chủ yếu bởi 2 con sông Volta Trắng và Volta Đen. Độ sâu tối đa của hồ Volta vào khoảng 84m, dung tích chứa nước gần 148 km³ (là hồ nhân tạo có dung tích lớn thứ 4 trên thế giới). Hồ Volta hình thành do việc xây dựng đập thủy điện Akosombo có công suất trên dưới 1000 MW vào năm 1966.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 12
 

4. Hồ cá lớn nhất thế giới

Hồ cá Georgia là bể thủy cung cá lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 12.000 m² ~ 1,2 ha, chi phí xây dựng bể vào khoảng 250 triệu USD. Hồ cá Georgia đang có khoảng 120.000 loài sinh vật biển sinh sống và tiếp khoảng 2 triệu lượt du khách mỗi năm đến tham quan.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 13
Đường tham quan hình ống thông qua bể cá Georgia

5. Hồ nước mặn nhất thế giới

Ao Gaet'ale là vùng nước có độ mặn cao nhất thế giới - khoảng 43% gấp 12 lần so với độ mặn trung bình của nước biển. Ao Gaet'ale nằm ở kế bên miệng núi lửa Dalot trong vùng lòng chảo nội lục Danakil thuộc Afar, Ethiopia. Diện tích của Ao Gaet'ale rất bé (chiều dài 60m, chiều rộng 40m) không có sông hoặc suối chảy vào để cung cấp nước mà nguồn nước chính là suối nước nóng ngầm vì thế nhiệt độ của ao luôn duy trì ở mức 50-55 độ C.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 14
 

6. Hồ muối lớn nhất thế giới

Hồ muối hay bãi muối Salar de Uyuni là hồ muối lớn nhất thế giới với diện tích vào khoảng 10.582 km². Hồ muối Salar de Uyuni có độ cao trung bình 3.656 m so với mực nước biển nằm ở khu vực dãy núi Andes, thuộc nước Bolivia. Salar de Uyuni có rất nhiều muối clorid của kim loại kiềm và kiềm thổ như NaCl, KCl, MgCl2 và đặc biệt LiCl muối có thể tích xuất ra kim loại Lithium dùng trong công nghệ tạo Pin Lithi.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 15
 

Xem thêm:
Ảnh hưởng của nguyệt thực và những điều thú vị xảy ra khi có nguyệt thực
Trái đất sẽ ra sao nếu mặt trăng biến mất?
Triều cường là gì và ảnh hưởng như thế nào đến đời sống?

7. Hồ lớn nhất Việt Nam

Ngoài các hồ lớn nhất thế giới đã nêu ở trên, chúng ta cùng điểm qua 2 hồ nước lớn nhất tại Việt Nam là hồ Ba Bể và hồ Dầu Tiếng

7.1 Hồ Ba Bể - Hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam

Hồ Ba Bể với diện tích khoảng 6,5 km² là hồ tự nhiên rộng nhất ở Việt Nam, hồ nằm trong vườn quốc gia Ba Bể thuộc địa phận huyện Ba bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ nằm ở độ cao 145m trên mực nước biển. Như tên gọi, Ba Bể là hệ thống 3 hồ thông nhau là các hồ Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Xung quanh hồ có nhiều núi đá vôi, hang động và suối ngầm tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, hữu tình. Với thảm thực vật và đa dạng động vật phong phú, hồ Ba Bể có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu môi trường thiên nhiên. Năm 2012, hồ Ba Bể được thủ tướng ký quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 16
 

 

7.2 Hồ Dầu Tiếng - Hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam

Hồ Dầu Tiếng rộng 27km² là hồ nhân tạo chứa nước lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ nằm ở vị trí tiếp giáp giữa 3 tỉnh thành là Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Nguồn nước chính đổ vào hồ là từ thượng nguồn sông Sài Gòn tạo nên thể tích nước lên tới 1,58 km³. Nhiệm vụ chính của hồ là điều phối nước nông nghiệp tưới tiêu cho các vùng xung quanh qua 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng.

Vào năm 2012 hồ được xây dựng thêm các kênh điều hướng dòng nước từ sông Bé để bổ sung lượng nước và nhằm phát triển thành “hồ đa mục tiêu” không những phục vụ tưới tiêu mà còn đẩy lùi xâm nhập mặn, ngăn lũ lụt, nuôi trồng thủy sản, làm khu du lịch sinh thái,...

Top 11 hồ tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới 17
 

Những hồ nước lớn nhất thế giới đem lại nguồn trữ nước ngọt, tài nguyên dồi dào cho dân cư xung quanh, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng nước của các con sông có liên kết, duy trì đa dạng sinh thái và nhiều lợi ích khác. Những hồ nước này cũng là những nơi tuyệt đẹp mà bạn nên cân nhắc khi muốn đi du lịch. Qua bài viết, mong rằng bạn đã tìm được những kiến thức hữu ích cho bản thân, đừng quên truy cập voh.com.vn để cập nhật những thông tin thú vị mỗi ngày.

(Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận