Top 13 loài rắn độc nhất thế giới ở trên cạn và dưới nước

(VOH) – Loài rắn đã có mặt trên trái đất và gây ra nhiều nỗi ám ảnh cho con người. Cùng tìm hiểu cái tên nào được xem là rắn độc nhất thế giới với bài viết dưới đây nhé!

Hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 3.400 - 3.500 loài rắn và khoảng 600 trong số đó là có nọc độc. Rắn độc sử dụng chất độc của chúng được tiết qua răng nanh hòa vào nước bọt để giết con mồi và những loài không độc thì chúng sẽ siết chặt đối tượng đến chết. Nọc độc rắn có thể là độc tố máu (tấn công hệ tuần hoàn) hoặc độc tố thần kinh (tấn công hệ thần kinh).

Các loài rắn độc hiện chỉ nằm trong một vài họ nhất định. Rắn độc thuộc các họ như Elapidae, Hydrophiidae, Viperidae, Atractaspididae và một số thuộc họ Colubridae là loài rắn có nọc độc lớn. Vậy bạn đã biết rắn độc nhất thế giới là loài nào chưa?

1. Rắn độc nhất thế giới

Trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều loài rắn với nọc độc gây chết người nhanh chóng mà có thể bạn chưa nghe đến. Hãy cùng xem rắn độc nhất thế giới sẽ là cái tên nào nhé! 

1.1 Loài rắn độc nhất thế giới sống ẩn mình trên cạn

Được xem là loài rắn trên cạn độc nhất thế giới, rắn Taipan nội địa (Oxyuranus microlepidotus), thuộc họ Elapidae, sống ẩn mình ở các khe đất sét của vùng ngập lũ Queensland và phía Đông Nam nước Úc. Chúng còn có tên gọi khác là rắn vảy nhỏ. Loài rắn Taipan nội địa này có nâu đậm hay xanh đập ô liu tùy mùa, chiều dài tới 1,7 m với thói quen săn tìm các loài gặm nhấm và chim chóc. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-0

Rắn Taipan nội địa (Nguồn: Internet)

Có nhiều cách để xếp thứ hạng các loài rắn độc, và một trong số đó là cách tính dựa trên liều gây chết trung bình (viết tắt LD50). Chỉ số LD50 có đơn vị tính là mg/kg với ý nghĩa là khối lượng chất độc milligram cần thiết để giết chết vật mẫu 1 kilogram. Chỉ số LD50 cũng được dùng để so sánh mức độ độc của các loài rắn, chỉ số càng nhỏ thì rắn càng độc.

Rắn Taipan nội địa với chỉ số LD50 là 0,01 mg/kg, đứng vị trí thứ nhất trong danh sách các loài rắn độc trên thế giới hiện nay.

Rắn Taipan nội địa thường nằm trong các hang đã được các loài động vật khác đào sẵn. Nọc độc của chúng đặc biệt hơn các loài rắn còn lại vì có thành phần chính là enzyme hyaluronidase. Loại enzyme này có thể làm tăng sự hấp thụ lượng chất độc khi đi vào cơ thể nạn nhân. Lúc cảm thấy bản thân bị đe dọa, rắn Taipan sẽ cuộn cơ thể của chúng thành hình chữ S trước khi lao ra đớp nhanh đối tượng nào đó.

Mặc dù với biệt danh là loài rắn độc nhất thế giới, nhưng chúng chưa gây ra trường hợp tử vong nào cho con người bởi vì chúng rất nhát và luôn tìm lẩn trốn khi phát hiện nguy hiểm. Nếu như có xảy ra các vết cắn từ rắn Taipan nội địa thì hầu hết là ở điều kiện bị nuôi nhốt, vì vậy nạn nhân sẽ nhanh chóng được điều trị vết thương. 

1.2 Loài rắn biển độc nhất thế giới

Rắn biển Dubois (Aipysurus duboisii) là loài rắn biển có nọc độc nhất. Chúng có môi trường sống ở quanh New Caledonia, Papua New Guinea, và các khu vực ven biển phía Bắc, Tây và Đông nước Úc. Chúng hoạt động tích cực nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh. Những con trưởng thành dài 80cm và có thể dài đến 148cm.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-1

Rắn biển Dubois (Nguồn: Internet)

Rắn biển Dubois không chỉ được biết đến là loài rắn biển độc nhất mà còn nằm trong số ba loài rắn độc nhất trên thế giới cùng với rắn nâu phương Đông (Pseudonaja textilis và rắn Taipan nội địa (Oxyuranus microlepidotus) với chỉ số LD50 của chúng là 0,044 mg/kg. 

Loài rắn này có đời sống với độ sâu 80 mét trong các rạn san hô, dưới các lớp bùn hoặc trầm tích cát. Chúng không chủ động tấn công vào con người nhưng với bản tính hung hăng trung bình của mình, nếu bị khiêu khích chúng sẽ cắn đối tượng đó.

1.3 Rắn độc dài nhất thế giới

Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) được biết đến là loài rắn độc có kích thước dài nhất thế giới. Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cơ thể của rắn hổ mang chúa có thể dài tới 5,4m. Chúng phân bố chủ yếu ở các khu rừng Ấn Độ và Đông Nam Á.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-2

Rắn hổ mang chúa (Nguồn: Internet)

Rắn hổ mang chúa còn là biểu tượng trong truyền thống và thần thoại của Sri Lanka, Ấn Độ và Myanmar. Những con rắn này khi bị đe dọa sẽ mở rộng vùng da quanh cổ làm thành một chiếc “mũ trùm đầu”.

Rắn hổ mang chúa có đặc điểm là tấn công con mồi với 3-4 vết cắn và mỗi vết cắn của chúng chứa tới 7ml nọc độc. Loài rắn này gây tử vong cho con người trong vòng 15 phút và chỉ trong vài giờ có thể giết chết một con voi trưởng thành.

Xem thêm:
Chàng trai sống chung với rắn hổ mang
Em bé kết bạn với… rắn hổ mang
Cách xử lý an toàn khi chẳng may bị rắn cắn

2. Danh sách các loài rắn độc nhất thế giới

Dưới đây là danh sách các loài rắn độc nhất thế giới với nhiều đặc trưng riêng mà chúng ta sẽ rất ấn tượng với chúng. Điển hình là một số loài như sau:

2.1 Rắn nâu phương Đông

Đây là một loài rắn độc thứ hai thế giới xếp sau rắn Taipan nội địa với chỉ số LD50 là 0,0365 mg/kg. Chúng sống ở Australia, Indonesia và Papua New Guinea. Rắn nâu phương Đông thuộc họ Rắn hổ, chúng có chiều dài thân trung bình từ 1.5 m – 1.8 m. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-3

Rắn nâu phương Đông (Nguồn: Internet)

Rắn nâu phương Đông (Pseudonaja textilis) đã được tìm thấy phổ biến ở các vùng ngoại ô đô thị hoặc môi trường ở đất nông nghiệp. Con mồi chính của nó là chuột nhà. 

Rắn nâu phương Đông nổi tiếng với sự hung hăng và tốc độ cắn của mình, vì vậy chúng đã gây ra khoảng 60% ca tử vong ở Úc. Thành phần trong nọc độc của loài rắn này gồm neurotoxins và chất đông tụ máu. Vì vậy nọc độc của nó gây ra các triệu chứng như xuất huyết, rối loạn đông máu, trụy tim và ngừng tim. 

2.2 Rắn biển bụng vàng

Rắn biển bụng vàng (Hydrophis platurus) là một loài nằm trong họ Rắn hổ đã được tìm thấy ở các vùng đại dương ngoại trừ Đại Tây Dương. Chúng sở hữu một thứ nọc độc rất mạnh với chỉ số LD50 ở mức 0,067 mg/kg.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-4

Rắn biển bụng vàng (Nguồn: Internet)

Loài rắn biển bụng vàng dễ phân biệt với những loài rắn biển khác vì chúng có phần lưng màu nâu và bụng màu vàng đặc trưng. 

2.3 Rắn cạp nia bắc

Rắn cạp nia bắc (Bungarus multicinctus) hay còn được gọi với những cái tên khác là rắn vòng bạc, rắn hổ khoang, mai gầm bạc nằm trong họ Rắn hổ. Chúng tập trung chủ yếu ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Đài Loan, miền nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-5

Rắn cạp nia bắc (Nguồn: Internet)

Chỉ số LD50 của rắn cạp nia bắc là 0,09 mg/kg vì vậy trong một lần cắn duy nhất chúng có thể giết chết 3 người trưởng thành. Rắn cạp nia bắc chủ yếu hoạt động về ban đêm và thường ngủ đông trong tháng 11.

2.4 Rắn cạp nia nam

Rắn cạp nia nam (Bungarus candidus) còn được gọi là rắn cạp nong xanh, rắn cạp nong Malayan thuộc họ Rắn hổ. Loài này sống chủ yếu ở Malaysia, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Indonesia, Việt Nam. Chúng có chỉ số LD50 ở mức 0,1 mg/kg nên khả năng gây tử vong cho con người là khoảng 70% nếu không được điều trị kịp thời.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-6

Rắn cạp nong (Nguồn: Internet)

Loài rắn này có chiều dài lên tới 1m và đuôi của chúng dài 16cm. Đặc trưng cơ thể của rắn cạp nia nam gồm những khoanh màu đen vàng hay đen trắng đan xen, nối liền nhau chạy dài từ đầu đến đuôi.

Xem thêm:
15 sự thật khoa học thú vị có thể bạn chưa biết (phần 1)
15 sự thật khoa học thú vị có thể bạn chưa biết (phần 2)
15 Sự thật khoa học thú vị có thể bạn chưa từng biết (phần 3)

2.5 Rắn Taipan ven biển

Rắn Taipan ven biển (Oxyuranus scutellatus) có môi trường sống rộng lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven biển phía Đông và Bắc nước Úc hoặc trên đảo New Guinea. Với chỉ số LD50 ở mức 0,106 mg/kg, loài rắn này có tốc độ tấn công con mồi rất đáng kinh ngạc.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-7

Rắn Taipan ven biển (Nguồn: Internet)

Khi rắn Taipan ven biển cảm thấy đang bị đe dọa thì chúng sẽ trở nên hung dữ hơn và tung ra nhát cắn dành cho con mồi một cách chính xác. 

2.6 Rắn vảy cưa

Rắn vảy cưa (Echis carinatus) được tìm thấy ở Trung Á và Trung Đông. Với chỉ số LD50 là 0,151 mg/kg, loài rắn này xếp thứ 8 trong số 10 loài rắn độc nhất trên thế giới. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-8

Rắn vảy cưa (Nguồn: Internet)

Chúng có tư thế đặc trưng trước khi tấn công con mồi chính là cuộn mình thành hình số 8 và phóng ra với nhát cắn cực nhanh. Sản lượng nọc độc của rắn vảy cưa có thể gây ra cái chết cho 6 người trong một lần cắn.

2.7 Rắn hổ bướm

Rắn hổ bướm (Daboia russelii) hay còn được gọi là rắn lục Russell phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á. Loài rắn này nổi tiếng là một trong những thành viên của Tứ đại rắn độc Ấn Độ.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-9

Rắn hổ bướm (Nguồn: Internet)

Chỉ số LD50 của rắn hổ bướm là 0,162 mg/kg với cú tấn công thường là nhát cắn chớp nhoáng hoặc ghim chặt nhiều giây trong cơ thể con mồi. Rắn hổ bướm đã gây ra phần lớn các vụ rắn cắn dẫn đến tử vong trên thế giới bởi vì chúng có phạm vi sống khá rộng và thường xuyên có mặt ở nơi con người sinh sống.

2.8 Rắn hổ mang Trung Á

Rắn hổ mang Trung Á (Caspian cobra) còn có tên gọi khác là rắn hổ mang Caspi. Chúng được tìm thấy ở Trung Á với độ dài thân trung bình 1m và có thể lên tới 1,5m.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-10

Rắn hổ mang Trung Á (Nguồn: Internet)

Rắn hổ mang Trung Á có chỉ số LD50 khoảng 0,18 mg/kg vì vậy được biết đến là loài độc nhất trong chi rắn hổ mang. Chúng có đặc trưng riêng với lỗ mũi lớn, đầu hình elip và mõm ngắn, tròn. Tuy chúng khá tránh xa con người nhưng khi bị đe dọa sẽ trở nên cực kì kích động và hung dữ.

2.9 Rắn Mamba Đen

Rắn Mamba Đen (Dendroaspis polylepis) được coi là loài rắn di chuyển nhanh nhất trên đất liền. Vận tốc tấn công của chúng có thể đạt từ 4,32 m/s đến 5,4 m/s. Black Mamba còn được biết đến là loài rắn độc dài nhất phân bố chủ yếu ở lục địa châu Phi với chiều dài từ 2 – 3m. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-11

Rắn Mamba Đen (Nguồn: Internet)

Nổi tiếng rất hung hăng nhưng hầu như rắn Mamba Đen thường tránh con người và chúng chỉ tấn công khi bị dồn ép hoặc đe dọa. Nọc độc của Mamba Đen có thể gây tử vong cho người từ 30 phút đến 2 giờ với các triệu chứng như khó thở, buồn ngủ, tê liệt thần kinh.

2.10 Rắn biển Belcher

Một trong số những loài rắn biển nổi tiếng là rắn biển Belcher, thuộc họ Rắn hổ. Loài rắn này có cơ thể khá mỏng, dài từ 0,5 – 1m và thường sống ở bờ biển Đông Nam Á, phía Nam Thái Bình Dương, khu vực Ấn Độ Dương. Đặc biệt chúng tập trung đông nhất là ngoài khơi Tây Bắc của nước Úc. 

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-12

Rắn biển Belcher (Nguồn: Internet)

Đây là loài khá rụt rè và chỉ cắn người khi cảm thấy bị dồn ép và đe dọa. Những đối tượng có thể bị rắn biển Belcher cắn thường là các cư dân làm nghề chài lưới. Mặc dù nọc của chúng khá độc nhưng rắn biển Belcher không được coi là sự đe dọa lớn đối với con người. Bởi vì loài rắn này có bản tính hiền lành, hiếm khi sử dụng nọc độc của chúng.

Xem thêm:
Tại sao chúng ta hắt xì hơi?
Tại sao tuyết có màu trắng?
Tại sao mèo thường hay ăn cỏ?

3. Đảo rắn độc nhất thế giới

Đảo rắn độc nhất thế giới mang tên Ilha de Queimada Grande là một hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Brazil, thuộc phía Nam Đại Tây Dương với diện tích 43 ha và chứa hơn 400.000 con rắn. Đây là một trong những vùng đất nguy hiểm nhất thế giới nên chính quyền đã ra lệnh cấm không cho khách du lịch hay người dân địa phương nào được phép đặt chân lên đảo này.

ran-doc-nhat-the-gioi-voh-13

Đảo rắn độc nhất thế giới IIha de Queimada Grande (Nguồn: Internet)

Với mật độ trung bình cứ 1m2 xuất hiện một con rắn độc thì hòn đảo luôn là nỗi kinh hoàng cho mọi người. Đảo Rắn nổi tiếng với sự có mặt của loài rắn hổ lục đầu vàng (Golden Lancehead Viper) bởi chúng chỉ sinh sống suy nhất tại đây. Loại rắn này có thể dài hơn nửa mét khi trưởng thành và chúng sở hữu thứ nọc độc mạnh hơn 5 lần so với nọc độc của rắn trong đất liền. Vết cắn của nó có thể gây chết người chỉ sau 2 giờ đồng hồ.

Ngoài sự xuất hiện của rắn hổ lục đầu vàng thì đảo Rắn cũng là nơi ở của hơn 400.000 con rắn khác mà trong đó đều được xếp vào loại độc và cực độc.

Các chuyên gia cho rằng sự có mặt của đảo Rắn là do cách đây 11.000 năm những con rắn đã bị mắc kẹt trên đảo vì mực nước biển dâng lên cao bao phủ cả vùng đất nối giữa đảo với đất liền. Từ đó, số lượng rắn ở đây đã dần thích nghi môi trường mới và tăng dân số một cách nhanh chóng gây nguy hiểm cho con người.

Với những nội dung trong bài viết trên đây, hy vọng đã cung cấp thêm thông tin hữu ích cho bạn đọc về rắn độc nhất thế giới. Hãy cùng chia sẻ với mọi người để từ đó có những biện pháp phòng tránh phù hợp bạn nhé.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận